Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá tôm giảm mạnh, người nuôi đứng trước bài toán bán lỗ hay nuôi tiếp

Giá tôm thương lái thu mua hiện nay giảm trung bình khoảng 50.000 đồng/kg so với thời điểm này vào năm 2022 khiến người nuôi tôm ở Kiên Giang trong cảnh chọn bán lỗ hoặc cho ăn cầm chừng nuôi tiếp chờ giá lên.

Giá tôm giảm mạnh, người nuôi đứng trước bài toán bán lỗ hay nuôi tiếp

Giá tôm hiện đang giảm mạnh khiến người nuôi không khỏi lo lắng. Ảnh: Nguyên Anh

“Nếu như năm rồi bán trên 200 kg tôm sú được khoảng 40 triệu đồng thì năm nay chỉ còn khoảng 30 triệu, tôm nuôi đạt đầu con nhưng size tôm lại nhỏ hơn năm trước, một phần cũng do không dám cho ăn vì sợ lỗ tiền thức ăn”, anh Nguyễn Văn Nhân - người nuôi tôm ở huyện An Minh chia sẻ.

Theo anh Nhân, tôm sú năm nay bà con nuôi đạt về số lượng nhưng phải cân đối tiền thức ăn, nếu không sẽ lỗ nhiều. Nhiều hộ “tỉa” ra bán cầm chừng, nhiều hộ không kham nổi thức ăn thì bán luôn cho xong.

Năm trước, anh Nhân nuôi trong khoảng 3 tháng thì tôm đạt size hàng 2 (hơn 20 con/kg) còn năm nay chỉ hàng 3 (hơn 30 con/kg) và hàng 4 (hơn 40 con/kg).

"Tôi mới bán hơn 200 kg tôm ở đợt thu hoạch đầu, đến hết vụ chắc khoảng hơn 300 kg, nhưng giá tôm thấp nên đa phần bà con phải tính toán để giảm thiệt hại thấp nhất”, anh Nhân chia sẻ. Mỗi năm anh Nhân nuôi 3 vụ tôm, năm nay số vụ vẫn giữ nguyên nhưng anh đã giảm bớt lượng con giống thả nuôi vì e dè giá tôm biến động.

Giá tôm bấp bênh, vốn đầu vào con giống, thức ăn thì tăng khiến người nuôi gặp khó. Ảnh: Nguyên Anh

Giá tôm bấp bênh, vốn đầu vào con giống, thức ăn thì tăng khiến người nuôi gặp khó. Ảnh: Nguyên Anh

Theo các thương lái thu mua, do tình hình xuất khẩu chưa ổn định, lượng tôm thu mua về chưa chắc đã mang đi xuất khẩu ngay nên họ phải trữ đông trong kho và chờ. Chính vì thế khấu trừ các chi phí hao hụt đó mà giá thu mua đầu vào cũng giảm theo.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, phát triển sản xuất tôm - lúa là loại hình nuôi trồng có thế mạnh ở huyện An Minh (ngoài ra còn có huyện An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao và Hòn Đất) đóng góp sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Năm 2022, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này của tỉnh hơn 61.310 tấn, chiếm 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.

Thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đang vào mùa thu hoạch tôm nhưng giá tôm trên thị trường giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 khiến các hộ nuôi tôm dù đạt nhưng lại kém vui. Chưa kể thị trường không ổn định, giá thức ăn, con giống cũng tăng... khiến hiệu quả đạt thấp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đến nay hơn 134.000ha, đạt hơn 97% kế hoạch năm; trong đó, nuôi tôm công nghiệp gần 3.200ha, nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến gần 24.900ha và tôm - lúa hơn 106.300ha. Sản lượng tôm thu hoạch hơn 93.200 tấn, đạt hơn 77% kế hoạch.

Nguyên nhân giá tôm sụt giảm do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt hơn 130 triệu USD, giảm gần 17% so cùng kỳ.


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/gia-tom-giam-manh-nguoi-nuoi-dung-truoc-bai-toan-ban-lo-hay-nuoi-tiep-1226889.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết