Giá thép hôm nay 28/7/2022: Diễn biến trái chiều
Ghi nhận vào lúc 11h10 ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên mức 3.988 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá thép trong nước tiếp tục giảm mạnh, về ngưỡng 15,2-16,4 triệu đồng/tấn.
Trên thế giới, giá quặng sắt kỳ hạn đã tăng trong 4 ngày liên tiếp sau khi lợi nhuận của các nhà máy thép phục hồi, làm tăng kỳ vọng sản xuất trở lại của các nhà máy, theo SMM Information & Technology Co, Ltd. Tuy nhiên, hợp đồng đã được giao dịch trong phạm vi giới hạn do không có sự hỗ trợ bền vững về các nguyên tắc cơ bản.
Theo đó, kết thúc phiên, giá quặng sắt kỳ hạn tăng 2,41% lên 744,5 nhân dân tệ/tấn, đưa mức tăng tổng cộng trong 4 ngày qua lên 14,89%.
Về mặt vĩ mô, kỳ vọng tăng lãi suất vào tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã được thị trường định giá đầy đủ. Lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 9, và áp lực trên mặt trận vĩ mô đã giảm bớt, thúc đẩy giá quặng sắt kỳ hạn.
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet) |
Theo thông tin, vào cuối tháng 7 này, Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc sẽ họp nghiên cứu tình hình kinh tế hiện nay và triển khai công tác kinh tế nửa cuối năm. Thị trường có những kỳ vọng nhất định cho cuộc họp sắp tới này.
Xét đến các yếu tố cơ bản, theo thống kê của SMM, tính đến ngày 26/7, có 74 lò cao đang được bảo trì ở Trung Quốc, với khối lượng tích lũy là 88.480 m³, ảnh hưởng đến tổng cộng khoảng 280.000 tấn gang mỗi ngày, giảm 11.000 tấn mỗi ngày so với vào ngày 25/7.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 12 lò cao tiếp tục sản xuất, đạt sản lượng gang tổng hợp là 58.000 tấn/ngày, và dự kiến sẽ có nhiều lò cao nữa hoạt động trở lại.
Theo dữ liệu của SMM, 12,41 triệu tấn quặng sắt đã cập cảng Trung Quốc từ ngày 18/7 đến ngày 24/7, tăng 930.000 tấn so với ghi nhận trước đó và tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, thương hiệu Hòa Phát điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn và 150.000-160.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở ba miền. Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở miền Bắc lần lượt ở mức 15,2 triệu đồng/tấn và 16 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Nam, giá hai loại thép này đang dao động 15,5 triệu đồng/tấn và 16,1 triệu đồng/tấn. Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 của Hòa Phát đứng ở mức 15,5 triệu đồng/tấn và 16,3 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý cũng hạ 300.000 đồng/tấn với thép CB240 xuống 15,2 triệu đồng tấn và giảm 150.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, còn 16 triệu đồng/tấn. Thép Việt Đức có cùng mức giảm và giá thép với thương hiệu Việt Ý.
Thương hiệu thép miền Nam cũng điều chỉnh giảm giá thép CB240 310.000 đồng/tấn xuống 15,6 triệu đồng/tấn và hạ giá thép D10 CB300 100.000 đồng/tấn, hiện ở mức 16,4 triệu đồng/tấn.
Như vậy, trong 11 tuần, giá thép giảm 11 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng giá thép xây dựng đã giảm mạnh trong tháng 7, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III. Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc, mùa cao điểm xây dựng đã qua…
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng là một yếu tố khiến giá mặt hàng này liên tục điều chỉnh giảm trong hai tháng qua.
Linh Linh