Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá gas hôm nay 27/7/2022: Nhích chậm lên dốc

Ghi nhận vào lúc 11h ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam), giá gas hôm nay trên thế giới điều chỉnh tăng nhẹ và tăng lên 8,76 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2022.

Ngày 26/7, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn tăng cao hơn - sau khi tăng gần 80 cent so với hai phiên trước đó - được củng cố bởi sức nóng tiếp tục duy trì ở miền Nam và miền Tây của Mỹ, theo Natural Gas Intelligence. Ngoài ra, nguồn cung châu Âu giảm sâu trong bối cảnh Nga thực hiện hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng đang tác động đáng kể đến giá khí đốt tự nhiên.

Hợp đồng tương lai tháng 8 sẽ hết hạn vào thứ Tư. Thông thường, thanh khoản sẽ mỏng hơn trước khi hết hạn và mở ra cơ hội cho những biến động giá lớn. Thực tế, giá đã tăng mạnh vào thứ Ba, nhưng được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản trong nước và những thách thức về nguồn cung toàn cầu.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Nga một lần nữa cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 trong tuần này - từ 40% xuống chỉ còn 20% công suất. Công ty Gazprom PJSC thuộc sở hữu nhà nước của Nga đổ lỗi cho việc chậm trễ giao thiết bị liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt để phản đối cuộc xung đột với Ukraine của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các quan chức chính phủ châu Âu và các nhà phân tích coi động thái này là hành động trả đũa các lệnh trừng phạt. Hành động của Nga đã làm khuếch đại bức tranh nguồn cung vốn đã hỗn loạn ở châu Âu, đẩy nhanh các kế hoạch phân bổ và gây áp lực tăng giá khí đốt trên toàn cầu.

Các nước Liên minh châu Âu hôm thứ Ba đã đồng ý giảm quy mô tiêu thụ khí đốt tự nhiên của họ xuống 15% trong suốt mùa Đông tới, với lý do có khả năng Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung.

Trong một diễn biến khác, giá khí đốt tại châu Á cũng tăng vào đầu tuần này, do khu vực này hiện đang cạnh tranh với châu Âu trên thị trường toàn cầu về LNG, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Theo NGI ước tính, kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh của Mỹ đạt mức 12 Bcf vào đầu tuần này, về cơ bản đã đạt tối đa công suất hiện tại.

Tại thị trường trong nước, chiều ngày 30/6, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết từ ngày 1/7, giá gas City Petro giảm 7.000 đồng/bình 12kg và giảm 29.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 469.500 đồng/bình 12kg và 1.955.500 đồng/bình 50kg.

Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7 giá bán gas Saigon Petro giảm 7.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 449.000 đồng/bình 12kg.

Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết từ ngày 1/7 giảm 7.000 đồng/bình 12kg và 26.235 đồng/bình 45kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 450.900 đồng/bình 12kg và 1.690.890 đồng/bình 45kg.

Theo các đơn vị này, do giá gas thế giới bình quân tháng 7 chốt 725 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh mức giảm tương ứng. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas giảm giá và là lần thứ 4 trong năm 2022 giá gas giảm với tổng mức 79.000 đồng/bình 12kg.

Nga cắt một nửa lượng khí đốt sang Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1

Hãng tin DW dẫn thông báo ngày 25/7 của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đưa tin, công ty này sẽ ngắt lượng khí đốt chảy sang Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 33 triệu m3/ngày, bắt đầu từ ngày 27/7.

Điều đó có nghĩa là lượng khí đốt chảy từ Nga sang Đức sẽ chỉ còn 20% công suất của đường ống. Trong khi đó, lượng khí đốt Nga cấp cho Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 hiện chỉ ở mốc 40% công suất. Lý do Gazprom đưa ra là họ buộc phải dừng hoạt động của một tua-bin vì "lỗi kỹ thuật liên quan tới động cơ".

Dòng chảy phương Bắc 1 bắt đầu từ Saint Petersburg, Nga dẫn khí đốt tới một trạm gần Greifswald, Đức thông qua biển Baltic.

Công suất tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 là 160 triệu m3/ngày. Trước đó, Gazprom đã cắt 60% lượng khí đốt chảy qua đường ống này viện dẫn lý do kỹ thuật. Nga nói, lệnh trừng phạt của Canada đã khiến tua-bin nén khí không được giao về sau khi được sửa chữa dẫn tới Gazprom phải ngắt bớt dòng khí đốt.

ĐĐộng thái mới nhất của Nga khiến châu Âu lo ngại về kịch bản Nga có thể ngắt dòng khí đốt chảy sang châu lục này vào mùa đông lạnh giá. Châu Âu hiện đang cấp tập tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế Nga, cũng như cố gắng lấp đầy kho dự trữ cho vài tháng mùa đông tới nhưng nhiệm vụ này là không dễ dàng vì họ quá phụ thuộc vào dòng khí đốt của Moscow trong nhiều năm.

Châu Âu thậm chí bàn tới phương án "thắt lưng buộc bụng" khí đốt khi đề xuất các nước cắt giảm bớt sử dụng năng lượng để tiết kiệm cho mùa đông. Tuy nhiên, đề xuất này không được toàn khối ủng hộ rộng rãi và đã xuất hiện những ý kiến phản đối công khai.

Thu Uyên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...