Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá thép hôm nay 12/7/2022: Chạm sàn, sát ngưỡng 4.000 nhân dân tệ/tấn

Ghi nhận vào lúc 10h30 ngày 12/7 (theo giờ Việt Nam), giá thép giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức 4.003 nhân dân tệ/tấn. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, vốn đã duy trì chính sách Zero COVID nghiêm ngặt, đang triển khai các biện pháp hạn chế mới - từ tạm ngừng kinh doanh đến đóng cửa các cửa hàng.

Ngày 11/7, giá quặng sắt chuẩn tại châu Á giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại về sự suy yếu trong nhu cầu nguyên liệu thô của nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc. Theo đó, hợp đồng quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 9/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), đã kết thúc giao dịch ban ngày thấp hơn 3,3% ở mức 741 nhân dân tệ/tấn (tương đương 110,37 USD/tấn).

Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã đạt mức 722 nhân dân tệ/tấn, mức thấp nhất theo ghi nhận kể từ ngày 6/7. Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt SZZFQ2 giao tháng 8/2022 cũng đã giảm tới 4,8%, ghi nhận mức 107,45 USD/tấn trong cùng ngày.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Atilla Widnell, Giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore, cho biết: "Các thông tin COVID tiêu cực liên tục ở Cam Túc, Quảng Đông, Hà Nam, Ma Cao, Thượng Hải và Chiết Giang vào cuối tuần trước sẽ 'dội một gáo nước lạnh' lên tâm lý thị trường từ thứ Hai trở đi".

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, vốn đã duy trì chính sách Zero COVID nghiêm ngặt, đang triển khai các biện pháp hạn chế mới - từ tạm ngừng kinh doanh đến đóng cửa các cửa hàng.

Mục đích của động thái này là nhằm kiềm chế sự gia tăng của các ca nhiễm mới, với trung tâm thương mại Thượng Hải đang chuẩn bị cho một cuộc xét nghiệm trên diện rộng sắp diễn ra.

Ông Atilla Widnell cho biết thêm, các lô hàng quặng sắt đến Trung Quốc từ các nhà cung cấp hàng đầu Australia và Brazil cũng làm tăng thêm tâm trạng tiêu cực.

Điều đó có thể đẩy tồn kho nguyên liệu nhập khẩu bên cảng cao hơn, sau khi tăng tuần thứ hai liên tiếp lên 128,3 triệu tấn tính đến ngày 8/7, Reuters đưa tin.

Tại thị trường trong nước, ngày 8/7, các thương hiệu thép lớn tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 200.000-310.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 16-16,6 triệu đồng/tấn. Đây là đợt thứ 8 liên tiếp kể từ ngày 11/5, số liệu của Steel Online.

Theo đó, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Hòa Phát hiện sau khi giảm 260.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn, xuống còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn. Tương tự, thép Việt Ý cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn, giảm 210.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Đức miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn hiện ở mức hơn 16 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 260.000 đồng/tấn có giá 16,5 triệu đồng/tấn.

Còn tại miền Trung, thương hiệu này chỉ giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 giảm 160.000 đồng/tấn ở mức 16,6 triệu đồng/tấn.

Trong số các doanh nghiệp thép, Pomina là thương hiệu giữ được giá thép xây dựng ở mức hơn 17 triệu đồng/tấn. Sau khi giảm 250.000 - 310.000 đồng/tấn, giá thép cuốn CB230 của Pomina đang ở mức 17 - 17,2 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 17,5 triệu đồng/tấn.

Như vậy, trong 2 tháng, giá thép ghi nhận lần giảm thứ 8 với tổng mức giảm đến hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố là giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ. Bên cạnh đó, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho. Các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu thép và giá thép.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng giá thép xây dựng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 7, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III.

Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc, giá nguyên liệu và mùa cao điểm xây dựng đã qua…

Cũng nói về tương lai ngành thép quý II, III, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã dùng hai từ "thê thảm".

"Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm. Đó là vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022", ông Long nói.

Thu Uyên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...