Giá gas hôm nay 29/7/2022: Chấm dứt đà tăng, quay đầu giảm nhẹ
Ghi nhận vào lúc 11h ngày 29/7 (theo giờ Việt Nam), giá gas hôm nay xuống mức 8,14 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2022. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu giảm sau khi dòng chảy qua đường ống của Nga ổn định, mặc dù ở mức thấp hơn nhiều so với nhu cầu của nền kinh tế châu lục.
Các chuyến hàng qua đường ống Nord Stream đến Đức - đường dẫn khí đốt chính với Liên minh châu Âu (EU), vẫn ổn định sau khi Gazprom PJSC cắt giảm chúng xuống 20% công suất. Hợp đồng kỳ hạn giảm 3,1% sau khi tăng 33% trong 6 ngày trước đó. Ngày 27/7, hợp đồng này đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 - những tuần đầu tiên Nga tham chiến ở Ukraine. Giá nhiên liệu tăng cao đã làm gia tăng lạm phát và gây tổn hại cho nền kinh tế lục địa.
Gazprom và Siemens Energy AG đang tiến hành bảo trì thiết bị tuabin cho Nord Stream. Hôm thứ Tư, Gazprom cho biết, chỉ có một đơn vị máy nén khí đang hoạt động tại nhà ga Portovaya ở Nga và các tuabin tại các đơn vị khác cần được bảo trì hoặc sửa chữa theo kế hoạch.
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet) |
Trong khi đó, Siemens Energy thông báo rằng, họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo thiệt hại nào và cho rằng các tuabin vẫn đang hoạt động một cách bình thường.
Các nhà kinh doanh khí đốt đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của các tuabin Nord Stream kể từ giữa tháng 6, khi gã khổng lồ khí đốt Nga giảm lưu lượng xuống 40% công suất của đường ống. Moscow đã khiến cho các thị trường khí đốt “đứng ngồi không yên”, buộc họ phải đoán xem liệu nước này có tiếp tục cung cấp khi đốt hay không, và điều này đã giữ cho giá khí đốt ở mức cao.
Công ty khí đốt OMV AG của Áo “không hy vọng xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ ngừng hoàn toàn, tuy nhiên sự không chắc chắn về việc cắt giảm trong tương lai”.
Sự vội vàng của châu Âu để đảm bảo nguồn cung cấp không phải của Nga đang khiến giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng lên, cùng với nhu cầu từ các công ty tiện ích châu Á cũng đang cạnh tranh về nhiên liệu.
Tại thị trường trong nước, chiều ngày 30/6, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết từ ngày 1/7, giá gas City Petro giảm 7.000 đồng/bình 12kg và giảm 29.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 469.500 đồng/bình 12kg và 1.955.500 đồng/bình 50kg.
Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7 giá bán gas Saigon Petro giảm 7.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 449.000 đồng/bình 12kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết từ ngày 1/7 giảm 7.000 đồng/bình 12kg và 26.235 đồng/bình 45kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 450.900 đồng/bình 12kg và 1.690.890 đồng/bình 45kg.
Theo các đơn vị này, do giá gas thế giới bình quân tháng 7 chốt 725 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh mức giảm tương ứng. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas giảm giá và là lần thứ 4 trong năm 2022 giá gas giảm với tổng mức 79.000 đồng/bình 12kg.
Áo: EU cấm khí đốt Nga là điều bất khả thi
EU không thể cấm khí đốt Nga, vì động thái này sẽ gây hại cho các thành viên EU nhiều hơn là Nga, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cảnh báo ngày 28/7. Truyền thông Áo cho hay, Thủ tướng Nehammer đưa ra nhận định này khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang ở thăm Vienna.
Thủ tướng Áo nhận định, lệnh cấm cung cấp khí đốt Nga sẽ dẫn đến hiệu ứng domino ở Châu Âu. "Quan điểm của Áo là cấm vận khí đốt là bất khả thi. Không chỉ vì Áo phụ thuộc vào khí đốt Nga mà bởi ngành công nghiệp Đức cũng phụ thuộc vào khí đốt Nga. Nếu họ sụp đổ, ngành công nghiệp Áo cũng sẽ sụp đổ và chúng ta đối mặt với tình trạng thất nghiệp hàng loạt" - hãng tin Lenta.ru dẫn lời ông Nehammer.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chỉ trích kế hoạch phân bổ khí đốt mà EU thông qua nhằm giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong khối từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. Theo Thủ tướng Hungary, việc phân chia bắt buộc khí đốt là "dấu hiệu đầu tiên của nền kinh tế chiến tranh". Ông đồng thời cảnh báo về một cuộc suy thoái và thất nghiệp có thể xảy ra ở Châu Âu.
Châu Âu chứng kiến lượng khí đốt từ Nga - nhà cung cấp chính - giảm mạnh do các vấn đề kỹ thuật tại đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic đang hoạt động ở mức 20% công suất. Trong khi đó, EU đang nỗ lực tăng lượng dự trữ khí đốt trước mùa sưởi ấm.
Đầu năm nay, EU cam kết sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào năng lượng Nga. Lệnh cấm vận một phần với dầu mỏ đã được thống nhất, nhưng các vòng trừng phạt chưa bao gồm biện pháp tương tự với khí đốt Nga.
Thanh Hằng