Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi nhân sự trong bộ máy của Meta

Sau khoảng thời gian tăng cường tuyển dụng vì thiếu lao động hậu Covid-19 và phục vụ cho dự án vũ trụ ảo, Facebook giờ đây đang phải thay đổi thái độ.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Meta Platforms đang lên kế hoạch tiết kiệm ít nhất 10% chi phí trong những tháng tới thông qua việc cắt giảm nhân sự. Nguồn tin của WSJ cho biết giảm tốc tăng trưởng và gặp phải ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh đã khiến công ty mẹ của Facebook phải đi đến quyết định trên.

Tờ WSJ cho biết những quản lý hiện đang làm việc lẫn đã nghỉ tại Meta đều tiết lộ rằng công ty mẹ của Facebook đang âm thầm sa thải bớt nhân viên thông qua cái gọi là cải tổ lại tổ chức, đồng thời giới hạn khả năng thuyên chuyển sang cương vị khác để ép họ nghỉ việc.

Cơn bĩ cực của ‘hoàng đế’ Mark Zuckerberg: Meta phải âm thầm ép nhân viên nghỉ việc để sống sót - Ảnh 1.

Trên thực tế, những dấu hiệu cắt giảm chi phí của Meta đã lộ ra từ nhiều tuần trước khi hãng này công khai nói về việc đóng băng tuyển dụng cũng như buộc phải áp dụng chính sách cứng rắn hơn trong kinh doanh, qua đó tránh nói về từ "sa thải" nhưng ai cũng hiểu chuyện gì sẽ diễn ra.

Trả lời câu hỏi của WSJ, người phát ngôn Tracy Clayton dẫn lời CEO Mark Zuckerberg vào tháng 7/2022 rằng công ty cần tái cấu trúc lại nguồn lực để ưu tiên cho những mục đích quan trọng hơn trong bối cảnh áp lực kinh doanh ngày một lớn.

Kể từ quý III/2021, Meta đã bắt đầu cắt giảm chi phí nhưng không hề đụng đến mảng nhân sự mà chủ yếu tập trung vào những khoản ngân sách khác. Tuy nhiên áp lực ngày càng lớn từ thị trường, nhất là sự trỗi dậy của Tiktok cũng như việc giới trẻ ngày càng không còn ưa chuộng Facebook hay Instagram đã tạo áp lực lên CEO Mark Zuckerberg.

Tái cấu trúc hay ép nghỉ việc?

Tại Meta cũng như nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác, các nhân viên bị sa thải sẽ có cơ hội nộp đơn xin vào vị trí khác trong vòng 1 tháng và những doanh nghiệp này cũng ưu tiên sử dụng người cũ đã quen thuộc với công ty hơn là tốn thêm chi phí tuyển mới.

Trong lịch sử nhân sự của Meta, thường chỉ có những nhân viên không tìm được vị trí thích hợp mới không thể đăng ký vào công việc mới sau khi bị sa thải. Nghĩa là khả năng Meta tuyển dụng lại nhân viên cũ sau khi tái cấu trúc, sang một bộ phận khác là rất cao.

Tuy nhiên, nguồn tin của WSJ cho biết tình hình giờ đây đã khác khi ngay cả những người có thành tích tốt cũng như tài năng bị chính tập đoàn này đẩy ra khỏi công ty.

Theo số liệu được Meta công bố, hãng đang có 83.553 nhân viên chính thức trong quý II/2022, cao hơn 32% so với cùng kỳ năm trước sau nỗ lực của Mark Zuckerberg để tuyển thêm nhân sự cho mảng vũ trụ ảo. Dẫu vậy, việc gia tăng nhân lực cũng đem lại gánh nặng chi phí cho công ty trong bối cảnh tăng trưởng không còn được như trước.

Cơn bĩ cực của ‘hoàng đế’ Mark Zuckerberg: Meta phải âm thầm ép nhân viên nghỉ việc để sống sót - Ảnh 2.

Tờ WSJ cho biết không riêng gì Meta, hàng loạt các ông lớn như Alphabet (Google) cũng đang yêu cầu nhiều nhân viên của họ phải nộp đơn thuyên chuyển nội bộ nếu còn muốn tiếp tục làm trong công ty. Tuần trước, nguồn tin của WSJ cho biết Google đã yêu cầu một nửa nhân viên của công ty con Area 120 phải nộp đơn thuyên chuyển nội bộ trong vòng 90 ngày nếu không muốn bị sa thải.

Cũng theo nguồn tin này, thông thường Google sẽ cho nhân viên 60 ngày để nộp đơn thuyên chuyển nội bộ sang vị trí khác trong công ty nếu dự án của họ bị đóng. Tuy nhiên vào tháng 3/2022, hơn 1.400 nhân viên của Google đã làm đơn yêu cầu công ty nới rộng thời gian lên 180 ngày cho một số vị trí như những lao động trong mảng điện toán đám mây với lý do họ gặp rào cản chuyển việc.

Mặc dù vậy khi trả lời câu hỏi của tờ WSJ, phía Google cho biết 95% số nhân viên muốn gắn bó với công ty khi dự án bị đóng vẫn được ở lại nhưng thuyên chuyển sang vị trí khác. Tính đến cuối quý II/2022, Alphabet có khoảng 174.014 nhân viên, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đổi giọng

Tờ WSJ cho biết thời điểm hậu đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp công nghệ bị thiếu nhân lực do người lao động chưa muốn quay trở lại làm việc sau quãng thời gian dài giãn cách. Hệ quả là vô số tập đoàn mời chào nhân viên trở lại.

Tháng 5/2021, giám đốc Tom Allison của Facebook App đã phải viết một bài đăng với tựa đề "Tại sao tuyển dụng nhân viên ngày nay lại khó khăn đến vậy?" với lý do chính là nguồn cung lao động thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng.

Ông Allison cho biết việc thiếu những kỹ sư công nghệ đã buộc công ty phải tuyển thêm nhân sự mảng tuyển dụng, nhưng ngay cả như vậy cũng khó kiếm thêm lao động có trình độ trong khoảng thời gian đó.

Thế nhưng khi nền kinh tế gặp rủi ro khủng hoảng, đi kèm lạm phát và sự biến động của thị trường quảng cáo trực tuyến gây áp lực lên Facebook thì thái độ của các giám đốc công nghệ lại thay đổi hoàn toàn.

Cơn bĩ cực của ‘hoàng đế’ Mark Zuckerberg: Meta phải âm thầm ép nhân viên nghỉ việc để sống sót - Ảnh 3.

"Thật sự thì có một đống nhân viên trong công ty đáng lẽ ra không nên được tuyển", CEO Mark Zuckerberg đã thốt lên trong hội trường trụ sở Facebook vào tháng 6/2022.

Ngoài ra, tờ WSJ cho biết những người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Facebook đang kêu gọi các nhà quản lý xác định những nhân viên không đạt chuẩn để đưa ra kế hoạch cải tổ, thứ mà ai cũng hiểu là bước đầu cho sự chấm dứt hợp đồng.

Theo WSJ, việc công ty muốn cắt giảm nhân sự nhưng không dám nói thẳng để giữ danh tiếng thương hiệu đã nhận lại hàng loạt chỉ trích lẫn chế giễu trên các diễn đàn nội bộ của nhân viên.

Cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 56,6% từ đầu năm đến nay trong khi tổng mức vốn hóa thị trường đã bốc hơi hơn 685 tỷ USD kể từ mức đỉnh tháng 9/2021.

Tương tự, Google được cho là cũng có dấu hiệu cắt giảm chi phí nhân lực và cổ phiếu của hãng đã giảm 27,3% trong 1 năm qua. Vào tháng 7/2022, CEO Sundar Pichai đã thừa nhận công ty sẽ giảm tốc tuyển dụng từ nay đến cuối năm và nhắc khéo nhân viên rằng họ nên "tự chủ" hơn trong sự nghiệp.

Trong một cuộc hội thảo tháng 9/2022, CEO Pichai cũng tuyên bố rằng ông đang cố găng tăng 20% năng suất cho Google, nhưng không nói cụ thể việc tăng năng suất này sẽ là như thế nào.

Trái với việc bí mật ép nhân viên nghỉ việc để giữ danh tiếng như các ông lớn, Snap lại thẳng thừng sa thải bớt lao động. Tuần trước, công ty này bất ngờ tuyên bố sẽ đuổi việc khoảng 20% nhân viên sau khi số lao động của hãng đã tăng 65% kể từ cuối năm 2020.

"Chúng tôi phải tái cấu trúc lại chi phí nhằm tránh thua lỗ", CEO Evan Spiegel thừa nhận.

*Nguồn: WSJ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...