Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SoftBank thua đau trong ván cược Big Tech Trung Quốc: Kỳ tích Alibaba "ru ngủ" Masayoshi Son

Alibaba có thể coi là biểu tượng cho sự thành công của tỷ phú Masayoshi Son. Men say quá khứ khiến CEO SoftBank cược tiếp vào sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc. Nhưng...

Quý 2/2022, SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son báo lỗ ròng 3.160 tỉ Yên (tương đương 23,4 tỉ USD) khi một loạt cổ phiếu công nghệ mà tập đoàn này nắm giữ lao dốc.

Mạch thua lỗ kéo dài 2 quý liên tiếp của SoftBank cũng đặt ra nhiều hoài nghi về CEO Masayoshi Son - người vẫn được xem như là ' gã điên ' của giới đầu tư mạo hiểm, với các khoản đầu tư hào phóng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của cây viết William Pesek - nhà báo từng giành nhiều giải thưởng đang làm việc tại Tokyo và là tác giả cuốn “Japanization: What the World Can Learn from Japan’s Lost Decades” - trên tờ Nikkei Asian Review.

Có lẽ không vị giám đốc điều hành nào trải qua tháng 8/2022 thê thảm như Masayoshi Son của SoftBank. Quỹ đầu tư Vision Fund báo lỗ kỷ lục, bán bớt cổ phần tại Alibaba Group Holding. Trong khi đó, Elliot Management, một quỹ phòng hộ ở Mỹ, bán tháo hầu hết cổ phần SoftBank đang nắm giữ.

Đằng sau đó là một câu chuyện lớn: Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc mà ông Masayoshi Son từng khám phá ra cách đây 22 năm trước, cũng là lĩnh vực mà ông coi là tương lai của quỹ đầu tư trị giá gần 100 tỉ USD của mình, giờ đây đang trở lại làm hại quỹ Vision của SoftBank.

Giai thoại về nhà đầu tư mạo hiểm có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của ông Son bắt đầu từ quyết định có phần bốc đồng mà ông đưa ra vào năm 2000: Trao cho người giáo viên tiếng Anh Jack Ma (Mã Vân) ở Hàng Châu, Trung Quốc khoản tiền đầu tư 20 triệu USD. Vào thời điểm Jack Ma chính thức bán cổ phiếu của Alibaba ra công chúng (IPO) vào năm 2014, lợi tức của khoản đầu tư ấy đã lên tới 58 tỉ USD.

Tầm nhìn của Son đã giúp ông thu về khoản lợi nhuận thậm chí còn nhiều hơn so với Warren Buffet.

Nguyên nhân mà ông Son lập ra quỹ Vision Fund vào năm 2016 chính là nhân bản pha 'đặt cược' thành công vào Alibaba thêm nhiều lần nữa.

Arab Saudi, quốc gia đang mong muốn đa dạng hóa nền kinh tế vốn dựa vào dầu mỏ, đã quyết định nhập cuộc khi rót cho quỹ này khoản tiền khổng lồ, 45 tỉ USD.

Nhưng các chính sách của Trung Quốc giờ đang gây ảnh hưởng ngược với SoftBank, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thắt chặt quản lý 'Big Tech'. Các lệnh phong tỏa kéo dài do chính sách zero-COVID làm suy giảm đà tăng trưởng, trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ cũng bắt đầu gây ra nhiều tác động.

Biến cố với Alibaba bắt đầu vào cuối năm 2020, khi Jack Ma lọt tầm ngắm của chiến dịch thắt chặt quản lý các tỉ phú công nghệ ở Trung Quốc. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của ông cũng bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ liệt vào danh sách chờ theo dõi để 'xóa sổ' trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Cũng giống như Alibaba, một công ty khác mà ông Son đầu tư, ứng dụng đặt xe Didi Global, cũng vấp phải nhiều khó khăn. Công ty được mệnh danh là “Uber Trung Quốc” này đã bị cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) mở cuộc điều tra do các vi phạm về dữ liệu trong năm ngoái.

Khoản đặt cược của SoftBank vào công ty trí tuệ nhân tạo SenseTimes cũng trở nên bất ổn. Washington quan ngại về các chính sách dữ liệu người dùng của công ty mẹ của TikTok, ByteDance, trong khi hoãn đợt IPO mà quỹ của ông Son rất mong chờ.

Điều này khiến cho Alibaba trở thành “khoản đầu tư siêu thắng lợi” duy nhất trong danh mục đầu tư của SoftBank, theo Travis Lundy, chuyên gia phân tích đến từ hãng Quiddity Advisors, nhận định.

Ông Son đi đến quyết định bán 1/3 cổ phần của SoftBank tại Alibaba, từ 23,7% xuống còn 14,6%, là nhằm bình ổn tình hình tài chính của tập đoàn, và điều này cũng cho thấy ông đã lạnh nhạt với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đến mức nào.

Trước đó, SoftBank đã phải đối mặt với hàng loạt phi vụ đầu tư thất bại, mà đáng hổ thẹn nhất là WeWork, từ một công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất trong lịch sử sụt giảm 75% giá trị chỉ trong nháy mắt. Tiếp đến là các khoản đầu tư vào Coupang, DoorDash và nhiều công ty công nghệ khác…khiến cho khoản lỗ của SoftBank lên tới 23,4 tỉ USD trong quỹ từ tháng 4 đến tháng 6.

Những bước lùi này giờ đã buộc ông Son phải làm điều mà ông từng thể sẽ không bao giờ làm: gánh vác vị trí của một ông chủ điển hình ở Nhật. Trong lúc khoản lỗ của SoftBank tăng dần, ông Son bắt đầu trở thành một ông chủ thường cúi đầu xin lỗi trước ống kính camera.

“Tôi rất hổ thẹn khi quá kích động trước những khoản lợi nhuận lớn trong quá khứ,” ông Son nói trong hội nghị công bố kết quả kinh doanh của tập đoàn trong tháng này, hứa hẹn sẽ hạn chế “chơi lớn”, tích lũy tiền và xây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Sau khi thu về 34 tỉ USD nhờ bán cổ phần tại Alibaba, SoftBank còn có kế hoạch bán quỹ đầu tư tư nhân Fortress Investment Group mà ông Son mua lại vào năm 2017.

Nguồn: Nikkei Asia


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...