Nhật Bản trỗi dậy sau 30 năm ngủ quên: Thị trường chứng khoán như "lên đồng", nghề môi giới thành "hàng nóng" với mức lương 205.000 USD
Những nhà môi giới chứng khoán lâu năm ở Nhật Bản được đề nghị mức lương đến 205.000 USD/năm nhưng chưa chắc đã tuyển nổi. Thị trường được đánh giá là đang sôi động hơn bao giờ hết.
Hệ quả là vô số công ty chứng khoán đang phải tuyển thêm người, đặc biệt là những cựu môi giới thời kỳ Nhật Bản còn giữ lãi suất dương.
Theo Bloomberg, động thái chấm dứt lãi suất âm của BOJ có lẽ cần thời gian dài để ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như xã hội Nhật Bản, thế nhưng câu chuyện này lại là cơ hội ngay lập tức cho thị trường chứng khoán, qua đó khởi đầu một thời kỳ mới.
Hàng "nóng"
Nhà môi giới chứng khoán Tadashi Masumoto cho biết bản thân đã gần đến độ tuổi nghỉ hưu khi gia đình chào đón đứa con thứ 4 cách đây vài năm. Thế nhưng thay vào đó, bản thân nhà môi giới này lại nhận được rất nhiều lời mời làm việc thời gian gần đây.
"Tôi đã tiến gần đến độ tuổi nghỉ hưu trong ngành tài chính. Bởi vậy tôi thực sự rất vui khi nhận được nhiều lời đề nghị làm việc ở độ tuổi này", ông Masumoto nay đã 54 tuổi, mới nhận lời làm CEO cho hãng môi giới chứng khoán BGC, cho biết.
Nhật Bản đã giữ mức lãi suất cận 0 của mình trong 30 năm qua nên số lượng những chuyên viên hiểu biết về thời kỳ lãi suất dương còn có thể làm việc là không nhiều.
Nguồn tin của Bloomberg cho thấy Thống đốc Kazuo Ueda của BOJ trong những tuần gần đây đã họp thảo luận để chuẩn bị đợt nâng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 2007.
Nhiều chuyên gia dự đoán bước đi này sẽ diễn ra vào tháng 4/2024.
Hiện lạm phát tại Nhật Bản đã cao hơn mức mục tiêu 2% của nước này trong hơn 1 năm rưỡi, qua đó củng cố thành quả chống giảm phát của BOJ cũng như kích thích động thái tăng lãi suất trở lại.
Trong 1 năm qua, chính BOJ cũng đã phải điều chỉnh chính sách kiểm soát lãi suất đến 3 lần, qua đó báo hiệu khả năng nâng lãi suất trở lại.
Chính điều này đã kích thích nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên môi giới chứng khoán lâu năm. Giám đốc nhân sự Toshiki Kumazawa của Morgan McKinley cho biết thị trường tuyển dụng đang có những đề nghị lên đến 30 triệu Yên, tương đương 205.000 USD/năm, cao hơn khoảng 5 triệu Yên so với bình quân chỉ để mời chào các nhà giao dịch lâu năm.
"Cạnh tranh nhân lực đang trở lại cực kỳ nóng bỏng, điều mà thị trường chứng khoán chưa từng thấy trong một thời gian dài", ông Lumazawa cho hay.
Cơ hội 30 năm 1 lần
Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Tokyo-Nhật Bản đã vượt qua sàn Thượng Hải-Trung Quốc tính theo tỷ giá đồng USD bất chấp việc đồng Yên đang suy yếu, qua đó giành lại vị thế đứng đầu Châu Á.
Tổng mức vốn hóa của sàn Tokyo đã tăng 1,5% lên mức 917 nghìn tỷ Yên, tương đương 6,32 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 6,27 nghìn tỷ USD của sản Thượng Hải trong năm qua.
"Tự dưng thị trường như lên đồng vậy", một nhà môi giới chứng khoán nói với Nikkei trong phiên 11/1/2024.
Mặc dù lấy lại ngôi vị số 1 Châu Á nhưng Nhật Bản vẫn kém hơn Trung Quốc nếu nước này tính tổng mức vốn hóa của các sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong cộng lại.
Bất chấp điều đó, Bloomberg nhận định nhà đầu tư quốc tế đang dịch chuyển nguồn vốn khỏi Trung Quốc sang Nhật Bản. Những bất ổn trong nền kinh tế số 2 Châu Á cùng việc Nhật Bản sắp nâng lãi suất trở lại khiến các quỹ đầu tư phải điều chỉnh danh mục của mình.
Tờ Nikkei cho hay trong tháng 8/2023, khoảng 89,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 12,6 tỷ USD giá trị chứng khoán tại Trung Quốc đại lục đã được bán ròng qua Stock Connect liên kết với sàn Hong Kong. Đây là kênh đại diện cho các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài.
Con số bán ròng này được cho là lớn nhất trong các tháng kể từ khi liên kết này được hình thành vào năm 2014.
Trong 10 ngày đầu năm 2024, con số bán ròng tiếp tục đạt 9,1 tỷ Nhân dân tệ.
"Thị trường Trung Quốc vẫn còn sự bất ổn và dòng vốn có thể sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Nhật Bản", chuyên gia Tetsuhiro Nishi của Nomura Securities nhấn mạnh.
Nghề môi giới chứng khoán đang nóng trở lại
Trái ngược lại, chứng khoán Nhật Bản lại chứng kiến sự thăng hoa của nhà đầu tư nước ngoài.
"Nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô về thị trường Nhật Bản từ đầu năm nay", một nhà môi giới chứng khoán khác nói với Nikkei về hiện tượng mua ròng cổ phiếu của người nước ngoài.
Hàng loạt những Blue Chip trong ngành như Toyota Motor đã tăng 3,6%, còn Sony tăng 3,5% và Hitachi là 4,2%.
Xin được nhắc là các tập đoàn có tổng mức vốn hóa hơn 10 nghìn tỷ Yên, tương đương 68,4 tỷ USD như trên rất hiếm khi thấy được tỷ lệ tăng giá cổ phiếu như vậy.
*Nguồn: Bloomberg, Nikkei