Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất hiện thêm manh mối về vụ nổ Nord Stream

Tín hiệu địa chấn của vụ nổ Nord Stream đến từ một nguồn phức tạp, theo nghiên cứu mới của Hiệp hội Địa chấn Mỹ.

Xuất hiện thêm manh mối về vụ nổ Nord Stream

Rò rỉ khí đốt từ vụ nổ Nord Stream ở vùng đặc quyền kinh tế Thụy Điển, ngày 28.9.2022. Ảnh: Xinhua

Các sự kiện địa chấn trùng hợp với việc áp suất giảm đột ngột trong các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9.2022 đã cảnh báo thế giới về sự cố vỡ đường ống ở phía tây Biển Baltic. Hành động nghi phá hoại - được cho là sử dụng chất nổ để làm vỡ đường ống - vẫn đang được nhiều quốc gia điều tra.

Science Daily đưa tin, một nghiên cứu mới được công bố trên trang The Seismic Record của Hiệp hội Địa chấn Mỹ cung cấp thêm manh mối cho thấy tín hiệu địa chấn của Nord Stream đến từ một nguồn phức tạp.

Các chuyên gia cho biết, các tín hiệu địa chấn của vụ nổ Nord Stream kéo dài lâu hơn ước tính từ một nguồn nổ duy nhất và giống với các tín hiệu được phát hiện từ một ngọn núi lửa dưới nước hoặc một đường ống bị thoát khí.

Các tín hiệu ban đầu từ các sự kiện địa chấn được phát hiện vào ngày 26.9.2022 “có thể bị chi phối bởi năng lượng của khí áp suất cao thoát ra nhanh chóng, điều đó có nghĩa là có thể khó đánh giá nguồn và đặc điểm của bất kỳ chất nổ nào được sử dụng để phá hủy Nord Stream” - Ross Heyburn của viện nghiên cứu AWE Blacknest ở Anh cho biết.

Heyburn và các đồng nghiệp lưu ý, sự cố Nord Stream mang đến cơ hội hiếm có để nghiên cứu các tín hiệu địa chấn và sóng hạ âm từ vụ vỡ đường ống dẫn khí dưới nước.

Các nhà nghiên cứu đã truy cập vào dữ liệu được thu thập bởi các mạng địa chấn địa phương và khu vực, cũng như dữ liệu địa chấn và sóng hạ âm được thu thập bởi Hệ thống giám sát quốc tế (IMS). IMS là mạng lưới toàn cầu phát hiện các vụ nổ hạt nhân và các vụ nổ khác cho Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO).

Heyburn cho biết: “Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, đây là lần đầu tiên IMS ghi lại tín hiệu từ một sự kiện dưới nước liên quan đến vỡ đường ống dẫn khí. Do đó, các sự kiện đã tạo cơ hội để quan sát các đặc điểm của tín hiệu, chẳng hạn như khoảng thời gian dài, được tạo ra bởi loại nguồn này”.

Đường ống dẫn khí Nord Stream ở Lubmin, Đức, ngày 14.9.2022. Ảnh: Xinhua

Đường ống dẫn khí Nord Stream ở Lubmin, Đức, ngày 14.9.2022. Ảnh: Xinhua

Hoạt động địa chấn tự nhiên trong khu vực thấp, nhưng nhóm nghiên cứu có thể phân tích tín hiệu Nord Stream với sự trợ giúp của dữ liệu địa chấn từ một số trận động đất và vụ nổ nhỏ phát nổ trong một hoạt động năm 2019 của NATO.

Một trong những phương pháp mà các nhà địa chấn học sử dụng để xác định xem một sự kiện địa chấn do một vụ nổ hay một trận động đất gây ra là đo tỉ lệ sóng P và sóng S của sự kiện đó.

Các nhà nghiên cứu kết luận, các vụ nổ thường có tỉ lệ sóng P và S cao hơn so với động đất và các sự kiện Nord Stream rất khác với các trận động đất gần đó về mặt này.

Heyburn và các đồng nghiệp cho rằng vụ nổ Nord Stream đến từ một nguồn phức tạp, bởi họ nhận thấy một trong những đặc điểm nổi bật nhất của các vụ nổ là tín hiệu địa chấn và sóng hạ âm kéo dài.

Những tín hiệu này kéo dài trong hàng nghìn giây - lâu hơn nhiều so với từ một vụ nổ đơn lẻ.

Ví dụ, sóng hạ âm được ghi lại ở miền nam nước Đức từ sự cố Nord Stream đầu tiên vào ngày 26.9 kéo dài khoảng 2.000 giây, trong khi một sự kiện xung động được ghi ở khoảng cách đó thường kéo dài không quá khoảng 600 giây.

Những tín hiệu địa chấn và sóng hạ âm kéo dài này có thể là kết quả của các rung động do khí áp suất cao thoát ra nhanh chóng từ đường ống vào nước và khí quyển.

Heyburn và các đồng nghiệp kết luận, các tín hiệu dài tương tự như tín hiệu địa chấn do ngọn lửa bùng lên khi đường ống phát nổ trên đất liền, đồng thời lưu ý rằng thời lượng của sóng hạ âm Nord Stream tương tự như tín hiệu được phát hiện trong quá trình phun trào của núi lửa dưới nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết