Ngành xe hơi Mỹ đau đầu với những lao động muốn được ‘tăng lương, nghỉ nhiều’ dù năng suất giảm tốc
Tờ WSJ cho hay lao động ngành ô tô Mỹ muốn tăng lương giảm giờ làm, nhưng điều này khó có thể thực hiện trong bối cảnh các tập đoàn điêu đứng vì cuộc cách mạng xe điện.
Trong khi Elon Musk và Tesla ăn mừng vì hưởng lợi khi hãng xe điện này không có công đoàn thì các ông lớn ngành ô tô ở Detroit lại đau đầu.
Nguyên nhân rất đơn giản, thu nhập và phúc lợi của người lao động theo quan điểm của chủ doanh nghiệp là phải gắn với hiệu quả công việc, cụ thể trong ngành xe hơi là chất lượng cũng như số lượng ô tô được làm ra.
Thế nhưng đây lại là điều mà người lao động cũng như các nhà máy ở Mỹ khó lòng cạnh tranh được với các công xưởng khác.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định mặc dù các doanh nghiệp Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới mảng thiết kế, cải tiến và sáng tạo công nghệ nhưng thành phẩm lại được sản xuất ở nước ngoài chứ không phải Mỹ.
Mặc dù chính quyền Washington muốn đảo ngược lại quy trình này để đưa các nhà máy quay lại Mỹ nhưng đây không phải chuyện đơn giản, nhất là với việc công nhân đình công hiện nay ở Detroit cho thấy một thực tại tàn khốc về khoảng cách quá xa giữa năng xuất lao động và chi phí giữa công xưởng Mỹ với Châu Á.
Theo WSJ, kể từ năm 2009 đến nay, sản lượng sản xuất bình quân mỗi giờ của Mỹ chỉ tăng 0,2% mỗi năm, thấp hơn so với bình quân toàn cầu hay mức trung bình tại Châu Âu hoặc Châu Á.
Thậm chí mảng sản xuất ô tô của Mỹ là tệ nhất khi kể từ năm 2012 đến 2022, sản lượng của ngành này đã giảm tới 32%.
Vậy chuyện gì đang diễn ra ở Mỹ khi các hãng xe hơi đang cố gắng dịch chuyển nhà máy trở về nước để đối phó với cuộc cách mạng xe điện thì người lao động lại muốn tăng lương giảm giờ làm dù năng suất giảm tốc?
Lỗi tại ai?
Theo WSJ, việc năng suất lao động của Mỹ giảm tốc không hoàn toàn do lỗi của người công nhân mà còn chịu nhiều yếu tố khác, bao gồm khả năng quản lý, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng cùng vô số những luật định rắc rối tại nền kinh tế số 1 thế giới này.
Ví dụ tại Mỹ, số liệu của Viện công nghệ thông tin và cải tiến (ITIF) cho thấy ngành sản xuất nước này dùng ít robot hơn các đối thủ như Trung Quốc và Hàn Quốc, dẫn đến năng suất giảm tốc hơn.
Hiện 3 hãng xe lớn nhất ở Detroit là GM, Ford và Chrysler đều liên tục mất thị phần suốt nhiều năm nay cho những thương hiệu khác.
Họ cũng chỉ chiếm 2 trong số 10 thương hiệu độc lập nhất do J.D.Power bình chọn và chỉ chiếm 1 trong số 10 thương hiệu xe hơi đáng được lựa chọn nhất của Consumer Reports.
Đáng buồn hơn, mảng xe điện của 3 ông lớn này đang tụt hậu quá xa so với Tesla, thương hiệu đã dịch chuyển trọng tâm nhà máy sản xuất sang Thượng Hải-Trung Quốc và có năng suất cực kỳ tốt.
Trong khi những mảng kinh doanh như bệnh viện hay nhà kho có thể chuyển chi phí tăng tương, giảm giờ làm của nhân công sang cho khách hàng mà không sợ bị đối thủ nước ngoài cạnh tranh thì ngành sản xuất, đặc biệt là ô tô lại không có điều kiện đó.
Số liệu của AlixPartners cho thấy năng suất lao động bình quân của công nhân tại Detroit thuộc hàng đứng đầu trong số 11 công xưởng lớn khác theo xếp hạng, thế nhưng chi phí bình quân sản xuất mỗi chiếc xe hơi tại đây cũng cao nhất.
Trong khi đó chi phí sản xuất bình quân mỗi chiếc xe hơi tại Trung Quốc lại là thấp nhất.
Rất rõ ràng, việc dịch chuyển nhà máy về nội địa và đối phó với cuộc cách mạng xe điện sẽ cần sự hợp tác và thỏa hiệp từ người lao động Mỹ khi chi phí cũng như năng suất của họ vẫn bị nới rộng khoảng cách so với đối thủ.
Tờ WSJ cho hay câu chuyện lao động tại Mỹ không chỉ liên quan đến năng suất và chi phí mà còn có cả vấn đề thiếu hụt công nhân có tay nghề cao.
“Các doanh nghiệp ô tô tuyển dụng, đào tạo nhân lực nhưng không giữ người tài ở lại được. Trong khi đó nhiều lao động trẻ thì lại chẳng muốn làm công việc sản xuất xe hơi này nữa”, chuyên gia Jim Schmidt của Oliver Wyman thừa nhận.
Cũng theo ông Wyman, các quy định chặt chẽ về luật lao động khiến nhiều nhà máy gặp khó khi cần tăng ca bắt kịp sản lượng. Đó là chưa kể đến vấn đề lao động xin nghỉ phép mà nhà máy không có ai để thay thế.
Trên thực tế không riêng gì ngành xe hơi, năng suất lao động tại nhiều mảng sản xuất của Mỹ cũng đang có vấn đề.
Ví dụ điển hình là kể từ năm 2018 đến nay, sản lượng sản xuất máy bay của Boeing ngày càng bị Airbus bỏ xa. Năm 2022, hãng Airbus đã tăng gấp 3 lần sản lượng còn trong năm nay, tập đoàn đã tăng sản lượng gấp đôi.
Trái ngược lại tờ WSJ cho biết Boeing đang gặp nhiều vấn đề kể từ sau bê bối tai nạn năm 2019 của dòng 737.
Tương tự, mảng bán dẫn của Mỹ cũng được thiết kế phần lớn bởi các doanh nghiệp nội địa nhưng sản xuất thì lại là tại Châu Á.
Tập đoàn Intel của nước này là doanh nghiệp nội địa duy nhất còn giữ khả năng vừa thiết kế và sản xuất trong nước. Tuy nhiên năng suất của các nhà máy Intel tại Mỹ đang giảm dần và bị bỏ xa so với nhiều đối thủ.
Cho đến hiện tại, không có một con chip điện tử tiên tiến nhất hiện nay nào là được sản xuất trên đất Mỹ.
Chính vì nguyên nhân này mà chính quyền Washington thông qua các khoản hỗ trợ đã kêu gọi được TSMC mở 2 nhà máy tại Arizona.
Thế nhưng theo Cựu Phó chủ tịch nghiên cứu Burn Lin của TSMC, việc đổ tiền xây nhà máy và lắp trang thiết bị thôi là chưa đủ mà yếu tố con người còn đóng vai trò quan trọng lớn hơn nữa.
Cụ thể, lao động phải có để kiến thức, kinh nghiệm để phân tích các chỉ số thông báo từ nhiều thiết bị sản xuất, máy móc phức tạp, qua đó điều chỉnh các thông số này đúng thời điểm. Nếu điều chỉnh quá thường xuyên sẽ tốn thời gian, còn quá ít thì có thể gây ra lỗi.
Để làm được điều này thì người lao động cần được đào tạo và có một văn hóa chấp nhận kham khổ, chăm chỉ làm việc.
Theo chuyên gia Lin, đây là điều không dễ để thay đổi tại Mỹ. Bằng chứng là TSMC có nhà máy ở Mỹ từ thập niên 1990 nhưng năng suất của chúng vẫn luôn thấp hơn so với tại Đài Loan.
Đây là lý do mà TSMC muốn đem hàng trăm công nhân từ Đài Loan sang nhà máy mới ở Arizona, thế nhưng công đoàn địa phương lại phản đối vì cho rằng chúng đi ngược mục tiêu tạo công ăn việc làm trong điều khoản nhận hỗ trợ từ chính phủ Mỹ.
“Các công đoàn Mỹ cần chấp nhận một sự thật rằng họ chưa sẵn sàng để có thể tiếp quản công việc này”, chuyên gia Kevin Xu từng làm việc dưới thời Cựu Tổng thống Barack Obama trong chiến dịch tranh cử, chịu trách nhiệm liên lạc với công đoàn, cho biết.
*Nguồn: WSJ