Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bóng dáng thế lực mới sau lưng HAGL: Ai đang âm thầm bành trướng quyền lực?

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều thay đổi đáng chú ý trong danh sách ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Đáng chú ý, một nhóm cổ đông chiến lược với tiềm lực tài chính mạnh đang âm thầm tăng ảnh hưởng, đặt dấu hỏi lớn về cuộc tái thiết quyền lực bên trong nội bộ doanh nghiệp này.

Một nhóm cổ đông âm thầm đề cử nhân sự cấp cao tại HAGL

Ngày 27/5, HAGL công bố danh sách ứng cử HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025–2030, chuẩn bị trình Đại hội cổ đông tổ chức sáng 6/6. Trong đó, sự xuất hiện của một số gương mặt nắm giữ đồng thời nhiều vị trí tại các doanh nghiệp tài chính, bất động sản có liên kết chặt chẽ với nhau đang gây chú ý.

Nhóm cổ đông gồm CTCP Tập đoàn Thaigroup, một công ty Chứng khoán và ông Nguyễn Phan Anh - hiện sở hữu tổng cộng 11,47% cổ phần HAGL đã đề cử bà Vũ Thanh Huệ vào HĐQT và ông Nguyễn Tiến Hưng vào BKS nhiệm kỳ mới.

vu thanh huệ

Theo đó, bà Vũ Thanh Huệ là một nữ lãnh đạo từng giữ các vị trí tại nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Còn ông Nguyễn Tiến Hưng cũng là một lãnh đạo cấp cao khác trong cùng hệ thống. Hai nhân sự này đều có liên hệ với nhóm cổ đông đang nắm gần 11,5% cổ phần HAGL.

Cụ thể, bà Vũ Thanh Huệ, sinh năm 1983, là một nhân vật nắm giữ loạt vị trí trọng yếu trong hệ sinh thái Thaiholdings: Phó Tổng Giám đốc Thaigroup, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Thaihomes, Phó Chủ tịch HĐQT một công ty Chứng khoán, thành viên HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên.

nguyen tien hung

Ông Nguyễn Tiến Hưng hiện là Trưởng bộ phận Quản trị Đơn vị thành viên tại CTCP Thaiholdings – công ty gắn liền với tên tuổi bầu Thụy.

Trong đợt phát hành riêng lẻ tháng 4/2025, Thaigroup đã mua 52 triệu cổ phiếu HAG, chiếm 4,92% vốn; Chứng khoán LPBank mua 50 triệu cổ phiếu, tương đương 4,73%; ông Lê Minh Tâm – từng là Chủ tịch LPBank Securities – cũng sở hữu 2,65% vốn HAGL thông qua giao dịch riêng.

Bầu Đức cố giữ ghế, nhưng nhân sự HĐQT đã thay đổi sâu sắc

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tiếp tục tự ứng cử HĐQT, đồng thời đề cử thêm 4 nhân sự, trong đó có các Phó Tổng Giám đốc và giám đốc đầu tư từ các công ty có liên kết với HAGL gồm: Ông Võ Trường Sơn (sinh năm 1973) là thành viên HĐQT từ 2015; Bà Võ Thị Mỹ Hạnh (1977) là thành viên HĐQT, Phó TGĐ từ năm 2021; Bà Hồ Thị Kim Chi (1976) là Phó TGĐ HAGL; Bà Hà Kiết Trân (1986) là Giám đốc đầu tư vốn tại CTCP Tư vấn Đầu tư Hướng Việt.

Danh sách BKS cũng có sự thay đổi khi ông Đức đề cử bà Đỗ Trần Thùy Trang (1970) và bà Đoàn Nguyễn Minh Hòa (1990).

So với HĐQT năm 2024, danh sách ứng viên lần này có tới một nửa là gương mặt mới. Sự hiện diện của nhóm cổ đông bên ngoài với quyền đề cử người tham gia HĐQT và BKS đang dần tạo nên thế đối trọng – điều chưa từng thấy trong nhiều năm qua tại HAGL.

Giới phân tích nhận định, HAGL đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực mềm, khi “bầu” Đức cần duy trì ảnh hưởng trong khi phải chia sẻ vị trí quản trị với các nhà đầu tư lớn mới tham gia.

Chiến lược nông nghiệp là vỏ bọc cho một cuộc tái cấu trúc lớn hơn?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, HAGL ghi nhận doanh thu gần 1.379 tỷ đồng (tăng 11,2%), lợi nhuận sau thuế hơn 360 tỷ đồng (tăng 59,2%).

Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích trồng chuối, sầu riêng và các cây ăn trái lên 30.000 ha, trở thành một trong những nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tái cấu trúc tài chính, giảm dư nợ ngân hàng và tiến tới xóa lỗ lũy kế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhân sự thượng tầng có sự đan xen của nhiều nhóm lợi ích, nhiều ý kiến cho rằng “chiến lược nông nghiệp” chỉ là lớp vỏ cho một quá trình tái cấu trúc sâu rộng hơn, nơi vị trí quản trị và chiến lược đầu tư sẽ dần bị chi phối bởi nhóm vốn mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...