Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga làm trung gian ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan

Nga tuyên bố làm trung gian ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan sau khi giao tranh nổ ra ở biên giới 2 nước trong tuần này, đưa cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ tới bờ vực bùng phát trở lại.

Nga làm trung gian ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu trước quốc hội nước này tại Yerevan ngày 13.9.2022. Ảnh: AFP

"Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế không để tình hình leo thang hơn nữa, kiếm chế và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn theo tuyên bố 3 bên của các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia ngày 9.11.2020, ngày 11.1 và ngày 26.11.2021" - thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết. 

Mátxcơva khẳng định đang liên hệ chặt chẽ với Baku và Yerevan. Nga cũng xác nhận đã nhận được yêu cầu hỗ trợ từ lãnh đạo Armenia. 

Ngày 13.9, Armenia kêu gọi Nga thực hiện hiệp ước quốc phòng năm 1997 quy định các nước sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau trong trường hợp bị nước ngoài tấn công. Yêu cầu được đưa ra sau một phiên họp Hội đồng An ninh Armenia và cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông Pashinyan.

Sáng 13.9, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố, lực lượng vũ trang Azerbaijan đã tấn công bằng pháo vào các thị trấn biên giới Armenia.

Theo AP, giao tranh mới nhất ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan khiến khoảng 100 binh sĩ thiệt mạng tính tới ngày 13.9. Armenia cho biết, ít nhất 49 binh sĩ nước này thiệt mạng. Về phần mình, Azerbaijan cho biết, có 50 binh sĩ thiệt mạng. 

Không chỉ điện đàm với Tổng thống Nga, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trao đổi với cả Thủ tướng Armenia Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Về tình hình của Armenia và Azerbaijan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi hai nước triển khai ngay các bước để hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề tồn tại thông qua đối thoại và thực hiện theo các thỏa thuận trước đó, người phát ngôn của ông cho biết. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên lịch tham vấn kín trong ngày 14.9 về cuộc giao tranh bùng phát ở Trung Á. 

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan âm ỉ nhiều thập kỷ liên quan tới Nagorno-Karabakh, khu vực lãnh thổ được công nhận của Azerbaijan nhưng nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng được Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến ly khai kết thúc năm 1994. Azerbaijan giành được các vùng đất ở Nagorno-Karabakh trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào năm 2020. Cuộc chiến khiến hơn 6.600 người thiệt mạng kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian. Mátxcơva cũng triển khai khoảng 2.000 binh sĩ tới khu vực này để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo thỏa thuận đó.

Reuters nhận định, cuộc giao tranh đẫm máu mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia kể từ xung đột năm 2020 xảy ra vào thời điểm quan trọng bởi trước đây Nga là trung gian có ảnh hưởng lớn nhất giữa Armenia và Azerbaijan. Hiện tại, dù Nga vẫn nỗ lực tránh để xảy ra xung đột ở nam Caucasus nhưng chiến sự Ukraina ảnh hưởng tới vai trò của Nga trong đảm bảo hòa bình khu vực. Một cuộc xung đột chính thức giữa Armenia và Azerbaijan có nguy cơ kéo theo các cường quốc lớn trong khu vực, trong đó có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như gây mất ổn định ở nam Caucasus -  hành lang quan trọng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt, vào thời điểm xung đột Ukraina đang làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng. Nga có liên minh quốc phòng với Armenia và điều hành một căn cứ quân sự ở đó, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ người dân tộc Turk ở Azerbaijan cả về mặt chính trị và quân sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...