Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không có tiền mua than và củi, người nghèo Kenya nấu ăn bằng túi nylon

Tại Kenya, cuộc sống khó khăn đến mức người dân nghèo đang phải đốt túi nylon để nấu nướng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Túi nylon là loại rác thải phổ biến ở các bãi rác trên khắp thế giới. Đây là loại rác thải nhựa độc hại và cần được xử lý an toàn tại các nhà máy vì việc đốt rác thủ công sẽ thải ra các chất độc vào không khí sinh hoạt ở nơi dân cư. Thế nhưng, ở Kenya, cuộc sống đang khó khăn đến mức người dân nghèo đang phải đốt túi nylon để nấu nướng, vì không còn khả năng mua củi hay than. Và thế là vì cái ăn hàng ngày mà sức khỏe, thậm chí sinh mạng của người nghèo ở nước này đang bị đe dọa.

Korogocho là một trong những khu nhà nghèo lớn nhất ở Kenya, nằm ngay ở thủ đô Nairobi. Khoảng 150 nghìn người sinh sống ở đây.

Chị Peris Nyambura - Khu dân nghèo Korogocho, Kenya nói: "Cuộc sống khó khăn nên tôi không mua được than, tôi nấu ăn cho các con bằng túi nylon nhặt nhạnh từ bãi rác. Tôi cũng lo cho sức khỏe vì thấy đau ngực lắm, nhà không có cửa sổ, khói từ túi nylon cháy cứ luẩn quẩn trong nhà".

Không có tiền mua than và củi, người nghèo Kenya nấu ăn bằng túi nylon - Ảnh 1.

Khu Korogocho thiếu đủ thứ để đảm bảo một cuộc sống vệ sinh, các vấn đề về HIV, ma túy và rượu kéo theo bạo lực. Giờ thêm khói độc từ túi nylon ở khắp nơi.

Chị Agnes Waiheti - Thành phố Nairobi, Kenya cho biết: "Tôi đi làm cả ngày ngoài đường, mua thức ăn trong phố thì đắt lắm. Than, dầu hỏa, gas tôi đều không mua được, nên đến đây mua thức ăn, chị ấy nấu bằng túi nylon nên bán thức ăn rẻ hơn".

Nhưng cái giá phải trả về sức khỏe của việc đốt túi nylon là cực kỳ cao. Chị Faith Muhonja - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học quốc tế Amref, Kenya khuyến cáo: "Đốt túi nylon tạo ra các khí độc, trong đó có dioxin rất nguy hiểm và độc hại cho cơ thể. Những người tiếp xúc với dioxin dễ bị các bệnh như ung thư phổi, bệnh da liễu vì khí độc ấy dễ thẩm thấu qua da. Khí ấy cũng gây thiếu oxy, làm người tiếp xúc bị mệt, chóng mặt, đau đầu. Những vấn đề sức khỏe do tiếp xúc với khí độc từ túi nylon cháy có thể truyền từ mẹ sang thai nhi".

Với hầu hết các gia đình ở khu Korogocho, vấn đề là ăn hay không ăn quan trọng hơn là ăn rồi phải hy sinh sức khỏe. Chị Roseanne Mucogo - Khu dân nghèo Korogocho, Kenya nói: "Từ khi xung đột ở Ukraine và dịch COVID-19 xảy ra, giá cả hàng hóa tăng lên, thực phẩm, gas đều tăng nên chúng tôi phải dùng túi nylon, dù có phải đi viện thường xuyên vì bị ảnh hưởng từ khói".

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...