Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức nói thẳng về đảm bảo an ninh của NATO cho Ukraina

Ukraina không thể là chủ thể được hưởng nguyên tắc phòng thủ tập thể vì nước này không phải là thành viên của NATO - Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố.

Đức nói thẳng về đảm bảo an ninh của NATO cho Ukraina

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tiếp Tổng thống Đức Olaf Scholz thăm Kiev hôm 16.6.2022. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các đảm bảo an ninh cho Ukraina sẽ kém hơn so với các bảo đảm dành cho các thành viên NATO. Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ARD, Thủ tướng Scholz nói Berlin đã thảo luận vấn đề đảm bảo an ninh với “những người bạn thân thiết” và quá trình này đang diễn ra.

“Rõ ràng là việc đảm bảo an ninh cho Ukraina sẽ không giống như đối với một thành viên của NATO” - ông Scholz nhấn mạnh, đề cập đến nguyên tắc an ninh tập thể, áp dụng trong liên minh nhưng không áp dụng cho các bên thứ ba. Tuy nhiên, ông cho hay, việc đảm bảo an ninh cho Kiev khi xung đột hiện tại kết thúc "đang được các nhà ngoại giao chuẩn bị kỹ lưỡng".

Trong lúc đó, ông Scholz cho biết, phương Tây sẽ duy trì sức ép lên Nga thông qua việc sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Ukraina trước đó đã phát tín hiệu sẽ từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và đồng ý giữ quy chế trung lập theo yêu cầu của Nga để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Ngày 1.7, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố thành lập một nhóm đặc biệt về đảm bảo an ninh quốc tế cho Kiev. Theo ông Zelensky, nhóm này do cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đứng đầu và bao gồm “những nhân vật có ảnh hưởng từ các quốc gia dân chủ khác nhau trên thế giới - Australia, Mỹ, Thụy Điển, Anh, Đức, Ba Lan, Pháp, Italia và tất nhiên, Ukraina”.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraina

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố thành lập một nhóm đặc biệt về đảm bảo an ninh quốc tế cho Kiev. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraina

“Nhiệm vụ chính của nhóm là phát triển một định dạng đảm bảo an ninh cho đất nước của chúng tôi, sẽ hoạt động lâu dài và thực tế, để không có các cuộc xâm lược trong tương lai” - nhà lãnh đạo Ukraina nói.

Vào cuối tháng 4, Tổng thống Zelensky đã đưa ra tầm nhìn về cách thức hoạt động của các đảm bảo an ninh. Ông cho biết, những người bảo lãnh sẽ cần phải đưa ra quyết định trong vòng vài giờ thay vì vài ngày hoặc vài tuần, vì bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự khẩn cấp sẽ phải trả giá bằng sinh mạng.

Tổng thống Zelensky giải thích, ông không khăng khăng với các điều khoản của NATO. Ông cũng nhấn mạnh, không ai biết NATO sẽ hành động như thế nào nếu một trong các thành viên của họ bị tấn công, vì tình huống như vậy chưa bao giờ xảy ra và "Chúa không cho phép nó xảy ra".

Mặc dù một số quốc gia tuyên bố sẵn sàng cung cấp các bảo đảm như vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai chính thức đề nghị.

Nga, từ lâu coi việc NATO mở rộng về phía đông là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích an ninh của mình, đã viện dẫn khả năng gia nhập NATO của Ukraina là một trong những lý do chính dẫn đến quyết định tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng 2.

Nga đưa quân vào Ukraina vào ngày 24.2 với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk - được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt ở Ukraina. Thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Cựu Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko kể từ đó đã thừa nhận rằng, mục tiêu chính của Kiev là sử dụng lệnh ngừng bắn để câu giờ và “tạo ra các lực lượng vũ trang hùng mạnh”.

Vào tháng 2.2022, Nga công nhận các nước cộng hòa Donbass là các quốc gia độc lập, yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.


Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su-quoc-te/duc-noi-thang-ve-dam-bao-an-ninh-cua-nato-cho-ukraina-1063755.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết