1/8 người Mỹ dùng thuốc giảm cân, mua ít hơn 8% thực phẩm so với thông thường: Khi người tiêu dùng bị lừa giữa dinh dưỡng và y tế
Sự lên ngôi của thuốc giảm cân GLP-1 đang tạo nên làn sóng thay đổi trong ngành thực phẩm, nhưng liệu người tiêu dùng có đang vô tình biến mình thành "con mồi" cho các chiến dịch tiếp thị trá hình?
Hãng tin CNN cho hay sự xuất hiện của các loại thuốc GLP-1 như Wegovy và Ozempic đã mang đến hy vọng cho những người muốn giảm cân.
Tuy nhiên, theo phân tích của JP Morgan, việc sử dụng thuốc GLP-1 cũng đồng nghĩa với việc người dùng mua ít thực phẩm hơn 8% so với người tiêu dùng thông thường.
Điều này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm khi mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc kiểm soát lượng calo.
Với việc khoảng 1/8 dân số trưởng thành tại Mỹ đang sử dụng GLP-1 và một nửa trong số đó dùng chúng như thuốc kê đơn khiến các doanh nghiệp thực phẩm đứng trước thách thức vô cùng lớn.
Hiện nay, từ chuỗi cửa hàng thực phẩm bổ sung GNC cho đến dịch vụ giao bữa ăn Daily Harvest hay các kế hoạch ăn kiêng như Optavia, tất cả đều đang cố gắng thích nghi bằng cách cung cấp dịch vụ, sản phẩm dành riêng cho người dùng GLP-1.
Ngay cả những "ông lớn" trong ngành cũng đang theo dõi sát sao xu hướng này, ghi nhận những mặt hàng bán chạy trong nhóm người dùng GLP-1 và báo cáo cho các nhà đầu tư.
Mập mờ dinh dưỡng và y tế
Gần đây, một ông lớn trong ngành sản xuất thực phẩm và thực phẩm bổ sung là Nestlé đã cho ra mắt trang web "www.glp-1nutrition.com" được quảng cáo là nguồn thông tin dành cho những người đang muốn kiểm soát cân nặng và sử dụng GLP-1.
Tuy nhiên, người dùng có thể không dễ nhận ra đây là website của Nestlé bởi tên công ty không xuất hiện trong đường dẫn URL và chỉ được ghi rất nhỏ ở cuối trang chủ.
Điều này làm dấy lên lo ngại về việc người tiêu dùng có thể vô tình tiếp nhận lời khuyên y tế từ một trang web bán lẻ.
Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về việc người dùng GLP-1 tự ý bổ sung thực phẩm chức năng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh rằng việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây ra tác dụng phụ mà không mang lại lợi ích trực tiếp cho sức khoẻ.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Jody Dushay, chuyên gia nội tiết tại Đại học Y Harvard, cho rằng những trang web bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng như của Nestlé là vô bổ và lãng phí tiền bạc.
Nếu không gây ra những tai nạn chết người thì những trang web kiểu này cũng có thể khiến người dùng thay vì đến bác sĩ điều trị lại đi mua thực phẩm chức năng.
Rất nhiều báo cáo đã chỉ ra các trường hợp dùng thuốc giảm cân GLP-1 và bị rụng tóc, teo cơ, nôn mửa hoặc mất nước.
"Bạn sẽ tự đưa mình vào nguy hiểm nếu lâm vào cảnh suy dinh dưỡng do nhịn ăn và chỉ dùng thuốc giảm cân", tiến sĩ Dushay cảnh báo.
Việc các doanh nghiệp tìm cách kiếm lời từ xu hướng tiêu dùng mới không phải là chuyện hiếm.
Gần đây, hãng Chipotle đã tung ra thực đơn với nhiều món ăn phù hợp với các chế độ ăn kiêng khác nhau để bán sản phẩm tùy theo nhu cầu giảm cân ngày một lớn của thị trường.
Khởi điểm của mọi thứ bắt đầu từ chế độ ăn kiêng Atkins, ban đầu chỉ là một hệ thống lên kế hoạch bữa ăn nhưng sau đó đã trở thành một dòng sản phẩm ít carbohydrate bị Chipotle lợi dụng.
Ngoài ra các kiểu ăn kiêng khác như xu hướng keto cũng đã tạo điều kiện cho nhiều thương hiệu chuyên bán các sản phẩm phù hợp với chế độ ăn này ra đời.
Nestlé đã thể hiện rõ tham vọng của mình trong việc khai thác phân khúc khách hàng muốn giảm cân.
"Bạn có thể mong đợi một làn sóng sản phẩm mới liên tục được ra mắt để đáp ứng nhu cầu đó," Giám đốc điều hành Mark Schneider chia sẻ với các nhà báo vào tháng 2/2024.
Tiến sĩ William Dietz của trường đại học George Washington cho biết những người dùng thuốc giảm cân sẽ thay đổi chế độ ăn theo hướng bất định và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi các doanh nghiệp thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
*Nguồn: CNN