Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để dự báo thiên tai từ xa, từ sớm

Tác động của biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa, thách thức lớn đối với vùng bán đảo Cà Mau. Thực tế những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật ngày càng xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn hơn, nguy hiểm hơn. Do đó, để công tác ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đạt hiệu quả, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng sự chủ động; trong đó có công tác dự báo thiên tai từ sớm, từ xa.

* Thiên tai ngày càng phức tạp, dị thường

Là tỉnh cực Nam Tổ quốc, Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương nhạy cảm với những “tổn thương” do biến đổi khí hậu gây ra. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, Cà Mau đang phải chịu khoảng 17/22 loại hình thiên tai hiện nay. Trong đó, bão, áp thấp nhiệt đới kéo theo mưa lớn, lốc xoáy, gió mạnh là một trong số những loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện trên địa bàn mỗi khi vào mùa mưa bão. Các hình thái thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, năm 2022, thiên tai gây thiệt hại hơn 36,9 tỷ đồng và làm 1 người chết, 1 người bị thương. Năm 2023, mức độ thiệt hại về tài sản do thiên tai ước tính hơn 52 tỷ đồng, 1 người chết, 1 người mất tích, 6 người bị thương. Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 1 người mất tích, chìm 2 phương tiện, 16 căn nhà bị sập, hư hỏng, 52 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 1,59 km. Đặc biệt, trong đợt hạn hán đã làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19 km. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 30,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn hán còn khiến khoảng 2.620 gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt...

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai xuất hiện dị thường, không theo quy luật gây thiệt hại về người và tài sản. Minh chứng rõ nhất là việc người dân vừa trải qua một mùa khô hạn khốc liệt với nhiều thiệt hại trong sản xuất và sụt lún đường nông thôn làm ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương. Hiện nay, người dân lại phải chủ động chống chọi với mưa bão, ngập lụt, lốc xoáy, sấm sét, sạt lở... đang được dự báo sẽ còn ảnh hưởng nặng nề hơn.

Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán vừa qua khi có 138 tuyến bị sạt lở, sụt lún với chiều dài hơn 19 km, ước thiệt hại hơn 28 tỷ đồng. Dù hiện nay chỉ mới bước vào thời điểm đầu mùa mưa nhưng tình trạng mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều diện tích lúa Hè Thu, hoa màu và đường giao thông vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị ngập sâu trong nước, nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Trong khi đó, tại các huyện như: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất ven sông. Các vụ sạt lở không chỉ gây thiệt hại về hạ tầng giao thông, tài sản, nhà ở…, nghiêm trọng hơn là đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân.

Cà Mau có 3 mặt giáp biển với tổng chiều dài 254 km. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bậc nhất cả nước, với 87 cửa biển, cửa sông thông ra biển. Hơn một thập kỷ qua, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ðến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254 km. Trong khi đó, tại ven các bờ sông, rạch, tình trạng sạt lở đang diễn biến nhanh với phạm vi và mức độ ngày càng lớn hơn, gây thiệt hại nhiều hơn. Thống kê cho thấy có 355 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài lên tới 425 km; trong đó, tổng chiều dài sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 47 km. Hiện, tình trạng sạt lở tiếp tục có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực với diện tích hơn 3.700 ha; đe dọa đến nhà cửa, tài sản, sản xuất của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác…

“Hiện nay khái niệm “mùa sạt lở” vốn chỉ diễn ra trong mùa mưa bão như đã qua là không còn chính xác. Bởi, sạt lở hiện đã diễn ra quanh năm. Tình trạng biển xâm thực vào phía đất liền nhanh chóng, kéo theo đó là sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn”, ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin. Đồng thời dự báo, với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới, sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm.

* Chủ động cảnh báo thiên tai từ sớm, từ xa

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Cà Mau luôn xác định, công tác phòng luôn hiệu quả hơn chống. Do đó, công tác cảnh báo từ sớm, từ xa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, địa phương đang nỗ lực tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai.

Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 49 trạm khí tượng thủy văn, 2 trạm cảnh báo ngập lụt. Nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn được quan tâm đầu tư tăng về số lượng và theo hướng đo tự động, cùng với chuyển đổi số đã giúp việc bám sát các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng khu vực, quốc gia và tham khảo trang thông tin dự báo quốc tế dễ dàng hơn.

Thời gian qua, để số hóa công tác thống kê, theo dõi, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, Cà Mau đang tiến hành nghiên cứu, thiết lập phần mềm thống kê thiệt hại trực tuyến với 121 tài khoản đã được cấp quyền. Hệ thống bước đầu hoạt động thông suốt, liên tục.

Ngoài ra, website Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cũng được đưa vào hoạt động đầu năm 2023. Qua triển khai, đây là kênh thông tin hữu ích giúp cộng đồng dân cư chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; giúp các cấp, ngành sát sao hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cấp chất lượng, công nghệ, mở rộng phạm vi sử dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng, chống thiên tai...

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Cà Mau đánh giá, hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của tỉnh đạt độ tin cậy khá tốt, sát thực tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai trên địa bàn. Không dừng lại ở việc cảnh báo đúng, những thông tin này được truyền tải kịp thời đến người dân, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương để có những bước ứng phó chủ động hơn.

Từ công tác dự báo đúng tình hình, tỉnh đã chủ động được từ sớm, từ xa để có chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, các cấp, ngành và người dân đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai; từ đó góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại.

Theo dự báo của ngành chức năng, những tháng còn lại trong năm 2024 sẽ xuất hiện từ 10 đến 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Trong đó, có khoảng 5 - 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Do ảnh hưởng của bão và ấp thấp nhiệt đới sẽ kéo theo gió Tây Nam hoạt động mạnh gây ra thời tiết xấu, nước biển dâng cao bất thường và mưa lớn trên diện rộng. Từ tháng 7 - 9/2024 mưa nhiều, mực nước ở các sông, kênh rạch tại các vùng ngọt hóa ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mùa mưa năm nay sẽ kết thúc muộn vào đầu tháng 12/2024.

Ứng phó với tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng, củng cố các công trình phòng, chống thiên tai, đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân; chủ động từ sớm, từ xa các biện pháp; xây dựng, cập nhật các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với cảnh báo, dự báo. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, tích cực nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong phòng, chống thiên tai.../.

Huỳnh Anh


Tác giả: Huỳnh Thế Anh
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...