Malaysia thúc đẩy tham vọng AI với trung tâm dữ liệu khổng lồ
Giữa những đồn điền cọ bạt ngàn tại vùng nông thôn Malaysia, những tòa nhà khổng lồ phủ đầy tấm pin mặt trời, hoạt động không ngừng nghỉ để phục vụ cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Đây chính là trung tâm dữ liệu của tập đoàn YTL Corporation, một trong những minh chứng rõ nhất về sự chuyển mình ngoạn mục của Malaysia trong cuộc đua điện toán thế kỷ.
Theo dự báo của IDC, đến cuối năm 2025, nhu cầu điện toán toàn cầu sẽ tăng gấp 10 lần so với năm 2023, với hơn 40% đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và Malaysia đang nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng cho làn sóng đầu tư này, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Hình ảnh bên trong một trung tâm dữ liệu. Ảnh minh hoạ.
"Chúng tôi biết rằng khi cuộc cách mạng AI đến, các trung tâm dữ liệu sẽ thực sự bùng nổ", ông Yeoh Keong Hann, lãnh đạo cấp cao của YTL, chia sẻ tại trụ sở chính ở Kuala Lumpur. "Malaysia may mắn có đủ năng lượng, nước, đất đai và nhân tài để châm ngòi cho lĩnh vực tăng trưởng mới này".
Sức hút của Malaysia nằm ở bốn yếu tố then chốt: quan hệ ổn định với Bắc Kinh, giá điện rẻ chỉ bằng 70% so với Singapore, khả năng tiếp cận chip cao cấp bị Mỹ cấm tại Trung Quốc, và vị trí chiến lược để phục vụ thị trường Đông Nam Á đang bùng nổ. Điều này giải thích vì sao các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba Cloud, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) đã đổ hàng tỷ USD vào đây.
Joe Gao, thành viên hội đồng quản trị của IBuffett Investment Management, tiết lộ: "Hàng chục nghìn công ty Trung Quốc đang sử dụng các trung tâm dữ liệu tại Malaysia, đặc biệt cho AI, thương mại điện tử và nền tảng video ngắn".
Điển hình là sự hiện diện của các nền tảng thương mại điện tử Temu, Lazada và TikTok Shop, đang tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng địa phương để phục vụ thị trường Đông Nam Á dự kiến tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030.
Tuy nhiên, cơn sốt đầu tư này không phải không có rủi ro. Nổi bật nhất là nguy cơ Malaysia bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. Về phần mình, Malaysia cũng đang đối mặt với những thách thức về môi trường.
Bang Johor đã bắt đầu từ chối một số dự án trung tâm dữ liệu do lo ngại cạn kiệt tài nguyên. Bà Farlina Said từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Malaysia cảnh báo: "Lưu trữ dữ liệu sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu không sử dụng năng lượng tái tạo", trong bối cảnh nước này đặt mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030.
Cao Phong (theo SCMP, CNA)