Google định hình lại công cụ tìm kiếm với loạt nâng cấp AI
Google vừa công bố loạt cập nhật quan trọng nhằm tái định hình cách người dùng tìm kiếm thông tin trên web, chuyển từ truy vấn từ khóa sang tương tác với “tác nhân kỹ thuật số” được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Thông báo được đưa ra trong Hội nghị các nhà phát triển thường niên của Google tổ chức ngày 20/5 trong bối cảnh công ty này đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ trong lĩnh vực AI như OpenAI, Perplexity hay Microsoft.
Theo CEO Sundar Pichai của cả Alphabet lẫn Google, những cải tiến mới đánh dấu một bước chuyển quan trọng, đưa nhiều thập kỷ nghiên cứu AI trở thành hiện thực trong đời sống người dùng toàn cầu.
“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của sự chuyển đổi nền tảng AI”, ông Pichai nhận định trong buổi họp báo trước thềm hội nghị.
Ảnh minh họa: Unsplash
Mở rộng "Chế độ AI"
Trọng tâm của các cập nhật lần này là việc mở rộng “Chế độ AI” (AI Mode) cho toàn bộ người dùng tại Mỹ trên ứng dụng Google. Trước đó, tính năng này chỉ khả dụng cho nhóm thử nghiệm trong chương trình Labs.
Khác với hình thức tìm kiếm truyền thống, Chế độ AI phân tích một truy vấn bằng cách tách nhỏ thành các chủ đề phụ, sau đó thực hiện tìm kiếm riêng cho từng phần nhằm đưa ra câu trả lời chi tiết và có ngữ cảnh hơn.
Google cho biết Chế độ AI sẽ sớm cá nhân hóa kết quả tìm kiếm bằng cách dựa trên lịch sử tìm kiếm của người dùng và liên kết với các ứng dụng khác như Gmail.
Trong tương lai gần, chế độ này cũng sẽ hỗ trợ hai phương thức tìm kiếm mới: một là thực hiện tác vụ thay mặt người dùng, hai là tìm kiếm bằng cách sử dụng camera điện thoại để hiển thị môi trường xung quanh trong thời gian thực.
Một phần trong nỗ lực này là dự án Project Mariner, công nghệ mà Google từng giới thiệu dưới dạng nguyên mẫu nghiên cứu. Project Mariner cho phép AI thực hiện các tác vụ nhiều bước như tìm vé xem thể thao, phân tích giá cả, điền biểu mẫu và đưa ra đề xuất phù hợp.
Tính năng này ban đầu sẽ áp dụng trong các tác vụ như mua vé, đặt bàn tại nhà hàng hoặc hẹn dịch vụ địa phương, hợp tác cùng các nền tảng như Ticketmaster, StubHub, Resy và Vagaro. Dự kiến, các tính năng này sẽ được triển khai thử nghiệm trong Labs thời gian tới.
Tìm kiếm bằng hình ảnh thời gian thực
Google cũng mở rộng khả năng tìm kiếm trực quan thông qua camera điện thoại. Tính năng mới cho phép người dùng chỉ cần hướng camera vào một vật thể và đặt câu hỏi, ví dụ như “Bu lông này có phù hợp với xe đạp không?”. Đây là một bước phát triển từ Google Lens và trợ lý Gemini trước đó, vốn đã hỗ trợ người dùng đặt câu hỏi dựa trên hình ảnh tĩnh.
Google đang bổ sung một tính năng vào ứng dụng tìm kiếm. Nguồn: Google
Thông báo hôm 20/5 cho thấy Google đang đẩy mạnh tích hợp các tính năng trực quan và đa phương thức vào công cụ tìm kiếm cốt lõi, coi đây là chìa khóa để duy trì vai trò dẫn đầu trong kỷ nguyên AI.
Tuy vậy, việc các tính năng mới chồng lấn với trợ lý AI Gemini – vốn cũng có thể trả lời câu hỏi và hỗ trợ các tác vụ như viết mã, lập kế hoạch – có thể gây nhầm lẫn cho người dùng. Đại diện Google khẳng định mục tiêu là tách biệt hai công cụ: công cụ tìm kiếm phục vụ học hỏi và khám phá, trong khi Gemini đóng vai trò trợ lý số đa năng.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Vị trí thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm đang chịu sức ép lớn từ sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI cạnh tranh. OpenAI gần đây đã ra mắt công cụ tìm kiếm riêng, trong khi các công ty lớn như Apple, Amazon và Microsoft đều đang đẩy mạnh nâng cấp trợ lý ảo bằng AI.
Theo lời khai của Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ của Apple, ông Eddy Cue, tại một phiên tòa hồi đầu tháng 5, số lượng tìm kiếm qua trình duyệt Safari đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2002. Dù Google phản bác số liệu này và khẳng định tổng số truy vấn vẫn tăng, giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu cho thấy người dùng đang chuyển dần sang các nền tảng tìm kiếm thông minh hơn.
Báo cáo từ công ty nghiên cứu Gartner năm ngoái cũng dự đoán khối lượng truy vấn qua công cụ tìm kiếm truyền thống có thể giảm tới 25% vào năm 2026 do người dùng chuyển sang sử dụng các trợ lý AI.
Phát biểu tại hội nghị, CEO Sundar Pichai cho rằng những cải tiến mới không chỉ là phản ứng trước áp lực cạnh tranh, mà còn phản ánh cách thức người dùng đang thay đổi thói quen tìm kiếm. “Tôi thấy trước một thế giới chủ động hơn, nơi các công cụ có thể đại diện cho bạn”, ông nói. “Và mọi thứ sẽ tiếp tục trở nên tốt hơn”.