Cảnh giác với hoạt động lợi dụng trí tuệ nhân tạo AI để tuyên truyền chống phá
Thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng xấu đã lợi dụng và ngày càng tinh vi trong việc sử dụng AI nhằm thực hiện mưu đồ chống phá VN.
![]() |
Trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại những tiến bộ vượt bậc với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, AI cũng đang bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng như một công cụ tiện ích đầy nguy hiểm để tuyên truyền chống phá, gây mất ổn định xã hội, đe dọa an ninh quốc gia. Cùng đánh giá, nhìn nhận một số hoạt động của các thế lực thù địch và đối tượng chống phá lợi dụng AI thời gian qua để nhận diện và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.
Như chúng ta đã biết, trí tuệ nhân tạo, với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tạo lập nội dung, mô phỏng giọng nói và hình ảnh, đang làm thay đổi toàn diện cách thức sản xuất và tiêu thụ thông tin trong đời sống xã hội loài người. Công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giáo dục, y tế mà còn mang đến một công cụ hiệu quả cho truyền thông, quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua những thuật toán được xử lý bằng máy.
Tuy nhiên, chính sức mạnh vượt trội đó cũng đang bị các thế lực phản động, tổ chức khủng bố, phần tử cực đoan, đối tượng chống đối lợi dụng cho các mục đích xấu trong đó nhiều nhất là tuyên truyền thông tin chống phá, bịa đặt, xuyên tạc. Các đối tượng này sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm truyền thông giả mạo, bóp méo sự thật, bôi nhọ danh dự cá nhân, tập thể, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động tâm lý bất mãn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các phần mềm AI có thể tự động tạo ra hàng loạt bài viết, hình ảnh, video mang nội dung sai lệch với độ tinh vi ngày càng cao. Các công cụ như deepfake, chatbot tự động, AI sinh nội dung (generative AI) cho phép sản xuất nội dung tuyên truyền sai sự thật với tốc độ chóng mặt và khó bị phát hiện nếu không có các công nghệ kiểm chứng hiện đại.
Thời gian qua, các thế lực thù địch và đối tượng xấu đã tăng cường lợi dụng và ngày càng tinh vi trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Việt Nam với một số hoạt động cụ thể:
- Tạo tin giả (fake news) để dẫn dắt dư luận. Thông qua các công cụ AI, chúng nhanh chóng tạo ra những bài báo, bản tin giả mạo dẫn nguồn “chính thống” nhằm gieo rắc thông tin sai lệch về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các thời điểm nhạy cảm như bầu cử, sự kiện, hội nghị lớn của Đảng và Nhà nước. Ví dụ, vào dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, các đối tượng đã tung nhiều tin sai lệch về lịch sử tình hình đất nước, góc nhìn thời cuộc với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc từ đó tạo nguồn cho AI tham khảo và chia sẻ tới người dùng. Trong những người dùng đó thậm chí có rất nhiều đối tượng chống phá điển hình như MVT thời gian gần đây thường xuyên sử dụng AI để minh họa, dẫn chứng cho quan điểm chống đối, xuyên tạc của mình.
- Deepfake nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công nghệ deepfake cho phép dựng video giả mạo hình ảnh lãnh đạo cấp cao phát biểu nội dung xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền. Nếu như không có am hiểu chính trị hoặc bộ lọc thông tin thì rất dễ tin theo và bị dẫn dắt bởi những thông tin xuyên tạc. Công nghệ này hiện đã tỏ ra hiệu quả khi bị lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc hướng đến bộ phận quần chúng nhân dân ở nông thôn tại Việt Nam thời gian qua.
- Thao túng tâm lý người dùng mạng xã hội. Các hệ thống chatbot sử dụng AI có thể tự động tham gia bình luận, chia sẻ các nội dung tiêu cực, gây nhiễu loạn thông tin, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, hệ thống này được thiết lập để chuyên cổ súy cho những bài viết, tác phẩm có quan điểm phức tạp, xuyên tạc, chống phá với những bình luận đồng tình, gợi mở xuyên tạc. Từ đó củng cố và cổ súy tâm lý cho các đối tượng hoạt động ngày càng phức tạp hơn.
- Kích động bạo lực, gây rối, biểu tình trong xã hội. Một số phần tử cực đoan dùng AI để phân tích tâm lý đám đông, nhắm mục tiêu tuyên truyền tới các nhóm dễ bị tổn thương về mặt nhận thức, nhằm kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự và kích động số này biểu tình, gây nên những ngòi nổ chống phá bằng bạo lực. Chúng đội lốt vỏ bọc khoa học và thông tin tổng hợp để kích động người dùng nhất là số bất mãn, tiêu cực.
Việc lợi dụng AI vào tuyên truyền chống phá đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ an ninh thông tin, an ninh mạng và an ninh quốc gia trong bối cảnh trong xã hội vẫn còn những vấn đề phức tạp, bức xúc, sai phạm: AI có thể tạo ra sự mất kiểm soát thông tin với lượng thông tin sai lệch khổng lồ do các đối tượng lợi dụng AI tạo ra và nhân lên vượt xa khả năng xử lý đang thiên về thủ công hiện nay của các cơ quan chức năng. Gây suy giảm lòng tin trong xã hội khi tin giả, nội dung xuyên tạc thông qua AI rất khó phát hiện, tập hợp và khi không được phát hiện và xử lý kịp thời vì hiện nay có rất nhiều nguồn cung cấp thông tin cho AI xử lý và đưa đến người dùng. Từ đó, những thông tin tiêu cực sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc. Các chiến dịch bôi nhọ, xuyên tạc khi các đối tượng lợi dụng AI có thể làm tổn hại hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, gây khó khăn cho công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Các hành vi kích động biểu tình, gây rối có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân.
Chính vì vậy, việc nhận thức rõ tính chất hai mặt của trí tuệ nhân tạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thời gian tới cần triển khai một số giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng lợi dụng AI vào mục đích chống phá, cụ thể là:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề thông tin trên hệ thống AI. Trong đó cần chú ý đến xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin, xử lý tin giả liên tục được cập nhật, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng chống các hành vi lợi dụng AI theo nguyên lý dữ liệu, chứng cứ điện tử truy nguồn thông qua AI. Sử dụng chính AI để tìm ra chính nguồn phát AI để đấu tranh tận gốc.
Hai là, tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi lợi dụng AI tuyên truyền xuyên tạc. Trong đó, các cơ quan chuyên trách như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực ứng dụng công nghệ AI vào việc phát hiện tin giả, nội dung xuyên tạc, nhận diện sản phẩm deepfake để có kế hoạch chặn, lọc hoặc đấu tranh, xử lý.
Ba là, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng AI, tạo bộ lọc, tri thức cho quần chúng nhân dân biết cách sử dụng và tiếp nhận những thông tin từ AI cung cấp. Trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng nhận diện, nhận biết tin giả, thông tin sai lệch được AI cung cấp, giúp người dân chủ động tự bảo vệ mình trước các chiêu trò lợi dụng AI để luôn đặt ra những dấu hỏi trước những thông tin AI cung cấp và chỉ tin vào thông tin sau khi đã kiểm chứng là sự thật.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ dữ liệu sạch trong hệ thống AI. Trong đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tham mưu và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về an ninh mạng, hợp tác trao đổi thông tin, công nghệ với các nước bạn nhằm đối phó với các mối đe dọa xuyên biên giới trong đó có lợi dụng AI tuyên truyền xuyên tạc gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội.
Trí tuệ nhân tạo là bước tiến vượt bậc của nhân loại và đang mang đến những tiện lợi, tác động thay đổi bất ngờ đến mọi mặt của đời sống con người, nhưng nếu không kiểm soát tốt, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, bị các thế lực thù địch khai thác nhằm mục đích chống phá, gây bất ổn xã hội. Cuộc chiến thông tin trong kỷ nguyên AI đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải nâng cao cảnh giác, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ từ mặt trái của công nghệ để con người có thể khai thác những tích cực từ AI và hạn chế những tiêu cực, sai trái. Chỉ khi biết khai thác AI một cách lành mạnh, tỉnh táo nhận diện và xử lý các mối nguy hiểm, chúng ta mới thực sự làm chủ được cuộc cách mạng công nghệ và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.