Thu nhập bình quân cán bộ nhân viên ngân hàng MB tăng gấp đôi trong 10 năm
So với năm 2012, thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống MB đã tăng gấp đôi từ 17,46 triệu đồng/người/tháng lên 35,21 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại ngân hàng mẹ, thu nhập bình quân đã tăng 120%, từ 17,95 triệu đồng/người/tháng lên 39,57 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2022, MB đã chi hơn 6.817 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên trên toàn hệ thống, tăng 18,4% so với năm trước. Tính bình quân mỗi nhân sự trực thuộc MB có thu nhập 35,21 triệu đồng/tháng, tương đương 422,5 triệu đồng trong năm 2022.
Tại ngân hàng mẹ, tổng số tiền chi trả lương, phụ cấp và thu nhập khác ở mức hơn 4.741.2 tỷ, tăng 10,6 % so với năm 2021. Bình quân, mỗi nhân viên tại ngân hàng mẹ có thu nhập 39,57 triệu đồng/người/tháng, tương đương 474,8 triệu đồng trong năm 2022.
Như vậy, thu nhập bình quân của các nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ MB cao hơn khoảng 4,4 triệu đồng so với mặt bằng chung.
Nếu so với cách đây 10 năm (tức năm 2012), thu nhập bình quân trên toàn hệ thống MB đã tăng gấp đôi từ 17,46 triệu đồng/người/tháng lên 35,21 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại ngân hàng mẹ, thu nhập bình quân đã tăng 120%, từ 17,95 triệu đồng/người/tháng lên 39,57 triệu đồng/người/tháng.
Cũng trong vòng 1 thập kỷ, số lượng nhân sự trên toàn hệ thống MB đã tăng thêm hơn 10.300 người, tương đương 178%. Trong đó, số lượng nhân viên của ngân hàng mẹ tăng gần gấp đôi, từ 5.521 người vào cuối 2012 lên 9.986 người tại thời điểm 31/12/2022.
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận hợp nhất trước thuế MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.
Với số lượng nhân sự bình quân trên toàn hệ thống là 16.136 người, bình quân mỗi nhân sự trên hệ thống MB mang về hơn 1,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, tương đương 117,4 triệu đồng/tháng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt hơn 728 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 460 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2021, trong đó riêng ngân hàng mẹ dư nợ tăng 27,5% đạt 435 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tăng trưởng 25% đạt trên 507 nghìn tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.
Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 15,3% đạt hơn 443,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trên tổng huy động vốn, là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống.