Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, gần 20% dòng vốn cho vay đổ vào bất động sản
Tín dụng tính đến cuối tháng 3/2022 đã tăng mạnh so với cuối 2021, trong đó dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 18 - 20%. Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản.
Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, gần 20% dòng vốn cho vay đổ vào bất động sản (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 4/4-8/4, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới với việc chính phủ siết chặt hơn các hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản.
Liên quan đến các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần trước đã Công văn số 1976/ NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.
NHNN nhấn mạnh các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tín dụng tính đến cuối tháng 3/2022 đã tăng mạnh 5,1% so với cuối 2021, tương đương mức 15,9% so với cùng kỳ, trong đó dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 18 - 20% tổng tín dụng.
Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI. |
Thị trường ngoại hối trong tuần qua, diễn biến của đồng VND hầu như không có nhiều thay đổi. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch quanh mức 22.865/USD (tăng 15 đồng so với tuần trước), trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 20 đồng, kết tuần ở mức VND 22.690-23.000.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm nhiệt và thu hẹp khoảng cách với tỷ giá niêm yết, giao dịch ở VND 23.255-23.285.
Về mặt tích cực, VND vẫn được kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tệ tích cực. Giải ngân FDI trong ba tháng đầu năm đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Trong khi đó cán cân thương mại, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải Quan đảo chiều xuất siêu 2,1 tỷ USD trong tháng 3 và nâng mức xuất siêu trong quý I lên 1,5 tỷ USD.
Hồng Giang