Ngân hàng đặt mục tiêu lãi “khủng” trong năm 2022
Nền kinh tế đang trong giai đoạn "hồi sức", tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng tính đến 21/3 đã tăng 4,03%, cao gấp 2,7 lần cùng thời điểm này năm ngoái. Đây là một trong những động lực chính khiến các ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh khá lạc quan trong năm nay.
Ngân hàng đặt mục tiêu lãi “khủng” trong năm 2022 |
Theo đó, trong báo cáo thường niên năm 2021 mới công bố, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB - Mã chứng khoán: MBB) cho biết năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15% so với năm 2021, vốn điều lệ tăng 19,4%.
Đáng chú ý, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 23% so với năm 2021, tương ứng đạt 20.328 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã thông qua kế hoạch với lợi nhuận dự kiến 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) cũng vừa tiết lộ kế hoạch tổng tài sản tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021, đạt 350.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 36% so với mức thực hiện năm 2021.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 29%, đạt 7.110 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021.
Ngân hàng đặt mục tiêu lãi “khủng” trong năm 2022 |
Trong năm 2022, thậm chí có ngân hàng còn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên đến 3 chữ số như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) vừa hé lộ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 127% so với kết quả năm 2021, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng đây là một thách thức với Eximbank khi trong năm 2021 lợi nhuận ngân hàng này sụt giảm 10% so với năm 2020 (1.205 tỷ đồng) và không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 1.300 tỷ đồng (thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu). Ngoài ra, bộ máy lãnh đạo ngân hàng này cũng dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều xáo trộn trong năm nay.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng quốc doanh lại tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Trong hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh đầu năm, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) chỉ đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12% trong năm 2022. Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế chỉ trong khoảng 10%-20%.
Theo các chuyên gia, sự thận trọng của các ngân hàng quốc doanh trong mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là điều dễ hiểu khi mà những rủi ro cũ vẫn còn tiềm ẩn, nay lại xuất hiện thêm nhiều rủi ro mới như áp lực lạm phát, bất ổn địa chính trị.
Hoàng Quyên