Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sacombank - ngân hàng cấp tín dụng nhiều nhất cho FLC khẳng định khoản vay 1.800 tỷ có ĐẦY ĐỦ tài sản đảm bảo

"Trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank", ngân hàng ra thông báo.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) vừa phát đi thông báo liên quan đến khoản vay của CTCP Tập đoàn FLC tại ngân hàng này.

Cụ thể thông báo cho biết: Trước thông tin Chủ tịch FLC Group ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến Sacombank bởi FLC Group là khách hàng có giao dịch tín dụng tại ngân hàng này, Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.

Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng.

"Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính Phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid – 19. Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có ĐẦY ĐỦ tài sản đảm bảo", Sacombank cho biết.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2021 của FLC, tổng dư nợ của công ty tại ngày 31/12/2021 là 6.189 tỷ đồng (không tính dư nợ thuê tài chính). Trong đó, chủ nợ lớn nhất của FLC là Sacombank, với dư nợ 1.840 tỷ đồng. Toàn bộ khoản vay ở Sacombank là vay dài hạn.

Sacombank - ngân hàng cấp tín dụng nhiều nhất cho FLC khẳng định khoản vay 1.800 tỷ có ĐẦY ĐỦ tài sản đảm bảo - Ảnh 1.

Tổng hợp từ BCTC hợp nhất FLC quý IV/2021

Sacombank - ngân hàng cấp tín dụng nhiều nhất cho FLC khẳng định khoản vay 1.800 tỷ có ĐẦY ĐỦ tài sản đảm bảo - Ảnh 2.

Tổng hợp từ BCTC hợp nhất FLC quý IV/2021 (không bao gồm dư nợ trái phiếu phân tích ở phần sau)

Nợ dài hạn đến hạn trả là các khoản nợ dài hạn đã đến hạn phải trả cho chủ nợ trong niên độ kế toán hiện hành. Cuối niên độ kế toán, doanh nghiệp phải căn cứ vào kế hoạch trả nợ dài hạn, xác định số nợ dài hạn đã đến hạn phải thanh toán trong niên độ kế toán tiếp theo và chuyển sang nợ dài hạn đến hạn trả.

Phía Sacombank cho biết tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank.

"Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank", Sacombank khẳng định trên báo giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...