Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một công ty bảo hiểm gửi ngân hàng 103.000 tỉ đồng, hưởng hàng ngàn tỉ đồng lãi suất

Mặc dù phải đối mặt với thị trường bảo hiểm - chứng khoán nhiều biến động, song nhờ sở hữu lượng tiền mặt lớn, công ty bảo hiểm vẫn ghi nhận khoản lãi hàng ngàn tỉ đồng từ kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

 

Một công ty bảo hiểm gửi ngân hàng 103.000 tỉ đồng, hưởng hàng ngàn tỉ đồng lãi suất - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp và người dân được hưởng lãi cao từ gửi tiết kiệm tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Là "anh lớn" trong giới bảo hiểm, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022, với khối tài sản tăng mạnh so với đầu năm lên mốc 190.800 tỉ đồngĐáng chú ý, riêng khoản đầu tư tài chính đạt hơn 173.400 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 91% tổng tài sản.

Dùng 53% tài sản gửi tiết kiệm

Nhìn vào cơ cấu đầu tư, có thể Bảo Việt dùng tới 53% khối tài sản để gửi tiết kiệm với gần 103.000 tỉ đồng, chủ yếu gửi theo dạng ngắn hạn (90%).

Phía doanh nghiệp này cho biết, ngoài các hợp đồng tiền gửi tại hai tổ chức là ALCII và VFC đã quá hạn, các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng khác có thời hạn gốc trên ba tháng và thời gian đáo hạn không quá một năm, lãi suất từ 3,9-7%/năm. 

Các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng có thời gian đáo hạn trên một năm, được hưởng lãi suất từ 5,2-10,5%/năm.

Bên cạnh gửi tiền ngân hàng, tính đến cuối quý vừa qua, Bảo Việt cũng nắm giữ tổng giá trị trái phiếu hơn 61.660 tỉ đồng. Ngoài trái phiếu của Vinashin, các trái phiếu của doanh nghiệp có lãi từ 7,05-8,1%/năm với kỳ hạn từ 5-7 năm. 

Các trái phiếu Chính phủ mà tập đoàn này đầu tư có kỳ hạn từ 10-30 năm, trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn 5-10 năm, được hưởng lãi từ 6,43-7,75% mỗi năm.

Tổng kết ba quý đầu năm nay, doanh nghiệp mang về hơn 5.940 tỉ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính, trong đó riêng khoản lãi tiền gửi đã chiếm tới 66% (3.920 tỉ đồng) - tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do khoản lãi từ đầu tư chứng khoán bị giảm, cộng thêm lợi nhuận gộp của mảng chính là kinh doanh bảo hiểm cũng bị giảm sâu xuống còn 512 tỉ đồng (-17%), nên sau khi trừ đi các chi phí, Bảo Việt còn lại hơn 1.250 tỉ đồng lãi ròng sau thuế (-13%).

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lợi nhuận giảm

Do chi phí bồi thường và nhiều chi phí khác tăng đáng kể, trong khi thị trường chứng khoán biến động, nên kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng. Khoản lãi tiền gửi cũng góp sức giúp kìm hãm đà rơi của lợi nhuận chung.

Điển hình như theo báo cáo tài chính quý 3-2022, Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI) cho biết đã mang về doanh thu hoạt động tài chính gần 669 tỉ đồng (+14%) trong ba quý đầu năm. 

Riêng khoản lãi tiền gửi và tiền cho vay dù có giảm so với cùng kỳ năm trước, song vẫn đóng góp lớn nhất với hơn 317 tỉ đồng (chiếm 47%). Tiếp đến là các khoản lãi từ trái phiếu, lãi cổ phiếu, lãi chênh lệch tỉ giá...

Khoản lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong ba quý đầu năm nay của PVI đã bị giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 797 tỉ đồng. 

Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này còn lại khoản lãi ròng sau thuế gần 703 tỉ đồng, giảm 13% so với ba quý đầu năm trước.

Ở Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý 3 giảm, đồng thời ba quý đầu năm nay cũng bị giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 95 tỉ đồng. 

Giải trình về kết quả kinh doanh sụt giảm, ông Nguyễn Thanh Quang - phó tổng giám đốc - cho biết tỉ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong quý vừa qua tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, do năm trước hoạt động đi lại và dịch vụ vận chuyển bị hạn chế vì áp dụng lệnh giãn cách phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng trích lập dự phần tổn thất do vừa qua thị trường chứng khoán không thuận lợi.

Dù vậy, tính chung ba quý đầu năm nay, doanh nghiệp này vẫn thu về gần 132 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính, nhiều gần gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là lãi kinh doanh chứng khoán (88 tỉ đồng), tiếp đến là lãi tiền gửi và tiền cho vay (20 tỉ đồng), ngoài ra còn có các khoản khác như cổ tức - lợi nhuận được chia...

Do gánh khoản chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 194 tỉ đồng (+17%), kèm theo các chi phí khác, nên doanh nghiệp này chỉ còn lại khoản lãi ròng sau thuế 9,4 tỉ đồng (-27%).

Đơn vị nghiên cứu thị trường FiinGroup cho biết việc lãi suất tăng mang lại một số yếu tố tích cực cho doanh nghiệp bảo hiểm, tuy nhiên đi kèm một số điểm bất lợi như việc mua bảo hiểm sẽ kém hấp dẫn hơn trước nếu so sánh với các tài sản ít rủi ro khác như gửi tiền ở ngân hàng, những khoản đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...