Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không chỉ ngân hàng nhỏ, loạt "ông lớn" cũng đẩy lãi suất huy động vượt 9%/năm

Techcombank, VPBank, Sacombank, SCB...đều đã nâng lãi suất huy động cao nhất lên trên 9%/năm.

Cuộc đua huy động vẫn tiếp tục nóng khi các ngân hàng tư nhân lớn cũng tham gia quyết liệt và đẩy lãi suất tiền gửi lên trên 9%/năm.

Mới nhất, Techcombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 22/11, với lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được tăng thêm 0,3%/năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng hiện lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7 – 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi.

Đáng chú ý, các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng được Techcombank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 9%/năm, dành cho khách hàng VIP1 gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, mức lãi suất áp dụng dao động 8,4 – 8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.

Cũng trong ngày 22/11, VPBank đã triển khai biểu lãi suất huy động tiền gửi mới dành cho khách hàng cá nhân, với các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng được áp dụng lãi suất 9,1 – 9,3%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy và 9,2 – 9,4%/năm theo hình thức gửi tiền online. Trong đó, mức lãi suất cao nhất 9,4% được ngân hàng áp dụng cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn 18 tháng, 24 thàng và 36 tháng, với số tiền gửi tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Trước đó, Sacombank đã tăng mạnh lãi suất huy động từ ngày 17/11 với mức cao nhất là 9,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi online, kỳ hạn gửi 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Ngoài ra, nhà băng này cũng áp dụng lãi suất lên tới 9,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng được hưởng lãi suất dao động 8,3 – 9%/năm.

Đối với hình thức gửi tiền tại quầy, lãi suất dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thấp hơn 0,2%/năm so với gửi tiền online.

Ngoài ra, Sacombank còn áp dụng lãi suất lên đến 9,8%/năm dành cho khách hàng tham gia gói "Tiết kiệm tăng bảo vệ - thêm tích lũy", kỳ hạn 36 tháng. Điều kiện được hưởng mức lãi suất này là khách hàng phải tham gia cả gửi tiền tiết kiệm và bảo hiểm nhân thọ Daiichi life tại Sacombank.

Tại SCB , ngân hàng này đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 11/11. Trong đó, các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng đang được nhà băng này chào lãi suất lên tới 9,75%/năm; kỳ hạn 6 tháng được hưởng mức lãi suất cao hơn hẳn là 9,35%/năm; các kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng được huy động với mức lãi suất trong khoảng 9,4% – 9,65%/năm.

Ngoài những ngân hàng kể trên, MB SHB cũng đang có lãi suất huy động cao nhất ở mức trên dưới 9%/năm

Theo thay đổi từ ngày 5/11, khách hàng gửi tiết kiệm online ở SHB kỳ hạn từ 36 tháng sẽ được áp dụng 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 8,4%/năm.

Từ cuối tháng 10, MB cũng đã áp dụng mức lãi suất cao nhất 8,7%/năm dành cho khách hàng khu vực miền Trung, miền Nam gửi tiền tại kỳ hạn 60 tháng.

Sau một loạt các đợt điều chỉnh, lãi suất tại các kỳ hạn trên 6 tháng tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn đã tăng khoảng 3% so với hồi đầu năm và đã cao hơn so với giai đoạn trước dịch COVID -19. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của nhóm này cũng cao hơn hẳn so với các ngân hàng quốc doanh.

Cụ thể, lãi suất cao nhất trong nhóm Big 4 là 8,2%/năm được VietinBank áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng. Trong khi, lãi suất cao nhất tại Vietcombank là 7,4%/năm, tại BIDV và Agribank là 7,9%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của nhóm Big 4 khá giống nhau, đều cao nhất là 7,4%/năm.

Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân lớn và nhóm quốc doanh hiện vào khoảng 1 - 2%, tùy từng kỳ hạn và hình thức gửi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...