Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các ngân hàng "mạnh tay" tăng lãi suất đầu tháng 9

Bước sang tháng 9/2022, xu hướng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm tiếp tục diễn ra sôi động. Thậm chí có ngân hàng đã mạnh tay nâng cao biên độ điều chỉnh so với tháng 8.

Các ngân hàng “mạnh tay” tăng lãi suất đầu tháng 9 (Ảnh minh họa)

Các ngân hàng “mạnh tay” tăng lãi suất đầu tháng 9 (Ảnh minh họa)

Khảo sát trên website của các ngân hàng trong những ngày đầu tháng 9/2022 cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại tiếp tục được một số ngân hàng điều chỉnh tăng so với tháng 8.

Đáng chú ý, biểu lãi suất tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã có những điều chỉnh tăng rất mạnh, với mức tăng từ 0,2 – 0,95% tùy theo từng kỳ hạn. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,2% lên 3,8%; tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm tăng 0,43% lên 5,3%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,53% lên 6,1%; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,95% lên 6,7%/năm…

Biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy bằng đồng VND mới nhất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho thấy, lãi suất huy động tại một số được kỳ hạn được khảo sát đã điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm so với cùng kỳ tháng 8/2022, cụ thể: lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng đều tăng thêm 0,2%/năm; qua đó lần lượt niêm yết tại 5,4%/năm, 6,0%/năm, 6,4%/năm;

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động thêm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn kể từ ngày 29/8. Đối với gói Tài lộc, khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus khi gửi số tiền từ 500 triệu đồng trở lên tại kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó, lên 6,1%/năm. Tương tự với khách hàng ưu tiên hạng E&P khi gửi tiền ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng tăng 0,1 điểm % lên 6%/năm.

Đối với gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi", ACB cũng tăng thêm 0,1 điểm % lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Theo đó, ở kỳ hạn 6 tháng, khách hàng gửi số tiền dưới 500 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất 6,1%/năm và 6,2%/năm với tiền gửi trên 500 triệu đồng, tăng 0,1 điểm %.

Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên mức 4%/năm; với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 0,15% lên 6,5%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 6,9 - 7%/năm, tùy từng kỳ hạn.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn từ ngày 24/8 chủ yếu đối với hình thức gửi online. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm.

Theo biểu lãi suất khảo sát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường, với lãi suất huy động tại các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng đều niêm yết ở mức 7,3%/năm. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng ghi nhận lãi suất lên tới 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Hay Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng dành mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,1%/năm.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5%/năm cho cả năm nay. Trong xu hướng này, người dân gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn so với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu.

Liên quan đến việc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất, chia sẻ trước đó, Tiến sĩ Kinh tế Ngô Ngọc Quang (Đại học Ngoại Thương) cho biết lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: (1) Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và (2) Những tác động của lạm phát.

Cụ thể, về mặt cung cầu, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến cho nhu cầu về tín dụng quay trở lại. Từ đó, giá của tiền tệ hay nói cách khác là lãi suất cũng có thể nối gót đi lên. Nền kinh tế sau dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập và tích lũy của người dân cũng đã không còn ở mức tự tin như trước. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn hơn, đủ để người dân hoãn sự chi tiêu ở hiện tại và tiết kiệm cho tương lai.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay: “Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, do đó, chúng ta phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”.

Hoàng Hà

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...