"Big 4" ngân hàng hạ giá phát mại trăm tỷ đồng loạt nhà máy, nhà xưởng sản xuất
Hai tuần qua, các nhà băng liên tục chào bán loạt bất động sản là nhà máy, nhà xưởng và máy móc, dây chuyền sản xuất tại nhiều tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Phú Thọ, Lâm Đồng, Bình Dương...
Trong hai tuần qua, nhóm 'big 4' ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank thông báo bán đấu giá loạt bất động sản là nhà máy, nhà xưởng và máy móc, dây chuyền sản xuất tại nhiều tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Phú Thọ, Lâm Đồng, Bình Dương, Phú Quốc. Nhiều tài sản được ngân hàng rao bán nhiều lần, giảm giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn khó tìm được khách mua.
Chào bán nhiều lần, đại hạ giá vẫn khó bán
Tại Vietcombank, từ tháng 11/2021 ngân hàng liên tục có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam để thu hồi nợ. Trong lần đấu giá cuối tháng 9, giá khởi điểm của loạt tài sản giảm hơn 172 tỷ đồng, xuống còn 926 tỷ đồng so với lần vào tháng 11/2021.
Tài sản đấu giá bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Các tài sản rao bán có địa chỉ tại số 1 VSIP II, Đường số 7, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích lên tới hơn 30.000 m2.
BIDV tiếp tục có thông báo lần thứ 9 bán đấu giá tài sản của CTCP Năng lượng Tân Thượng, chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Tân Thượng. Giá khởi điểm đấu giá là 342,3 tỷ đồng, nếu so với lần rao bán trước ngày 7/12/2021, mức giá đã giảm hơn 70 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá là dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng, gồm toàn bộ tài sản đã hình thành thuộc dự án và liên quan đến dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng (công suất thiết kế 22 MW) thuộc địa phận xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Theo thông tin trên website của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nhà máy Thủy điện Tân Thượng có công suất thiết kế 22 MW, cung cấp 108 triệu kWh/năm. Dự án được khởi công đầu năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, chủ thầu là CTCP Sông Đà 9.
VietinBank chi nhánh Phú Quốc thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của CTCP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu. Tổng dư nợ của doanh nghiệp tính đến ngày 3/8 là hơn 122 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 85,5 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến chào bán khoản nợ bằng với tổng giá trị khoản nợ nêu trên.
Trước đó, tháng 11/2021, VietinBank cũng đã rao bán khoản nợ trên nhưng chưa ghi nhận kết quả giao dịch nào. Thời điểm đó, khoản nợ được rao bán với giá 105,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 85,58 tỷ đồng, nợ lãi là 19,86 tỷ đồng.
Tải sản đảm bảo cho khoản nợ là dây chuyền công nghệ và thiết bị chuyển hóa rác thành năng lượng điện rác. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn là quyền tài sản bao gồm nhưng không giới hạn quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ, quyền được phân chia và sử dụng, khai thác và/hoặc sở hữu sản phẩm được phân chia, quyền yêu cầu được hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này, các quyền, lợi ích, các khoản bồi hoàn… phát sinh từ tài sản thuộc dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn kết hợp phát điện.
Theo thông tin tìm hiểu, khoản nợ được CTCP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu vay để thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện rác tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc với diện tích 10,4 ha, công suất dự kiến 200 tấn rác/ngày.
Nhà máy xử lý rác Phú Quốc có tổng vốn đầu tư khoảng 230 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 10/2017, trong quá trình vận hành thử nghiệm, nhà máy gặp trục trặc về kỹ thuật dây chuyền, khiến rác lấy về không xử lý kịp và tồn tới hơn 300 tấn, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đến tháng 12/2017 nhà máy đã phải tạm ngưng lấy rác.
Tháng 7/2018, nhà máy hoạt động trở lại nhưng chỉ đạt công suất 40 tấn/ngày, gây ùn ứ rác, không đạt hiệu quả, không hoạt động đúng với cam kết đầu tư. Việc nhà máy chậm tiến độ, không hoàn thành và đưa vào vận hành xử lý rác thải theo đúng kỹ thuật, công nghệ và công suất như cam kết ban đầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xử lý rác thải trên đảo Phú Quốc.
Do đó, tháng 8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc hoàn thiện các thủ tục thu hồi dự án Nhà máy xử lý rác của CTCP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu theo quy định pháp luật hiện hành.
Đấu giá loạt nhà máy xi măng, gạch, thép...
BIDV mới đây có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Xi măng Hồng Phong. Tài sản đấu giá là nhà máy sản xuất xi măng có công suất 350.000 tấn/năm và toàn bộ tài sản, tài sản gắn liền với đất, cơ sở hạ tầng tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tài sản bao gồm hệ thống nhà xưởng, công trình, bể chứa nguyên liệu... và hệ thống thiết bị sản xuất.
BIDV cho biết hà máy xi măng hiện đang hoạt động cầm chừng, quyền sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm và thời hạn sử dụng đất đến năm 2034 và 2036. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 168,2 tỷ đồng, đặt cọc 30 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 6/10 tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
VietinBank chi nhánh Bắc Phú Thọ có thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ thương mại của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Á. Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm máy móc thiết bị dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhà máy gạch tuynel Bắc Á được xây dựng gắn liền với diện tích đất thuê gần 13.000 m2 tại xã Sơn Vi - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ. Trong đó, tài sản cụ thể gồm nhà xưởng sản xuất công suất 70 triệu viên gạch/năm, dây truyền, máy móc sản suất (lò nung, máy chế biến tạo hình, trạm biến áp…).
Bên cạnh đó, tài sản thế chấp cũng thuộc nhà máy gạch tuynel Bắc Á gồm 3 nhà xe, nhà bảo vệ, chòi, nhà điều hành, trạm xăng, sân lát gạch chỉ, sân bê tông, đường nội bộ, nhà vệ sinh chung và các công trình phụ trợ khác.Ngân hàng cho biết tính đến hết 30/6, toàn bộ khoản nợ bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt, phí của doanh nghiệp nêu trên là hơn 30,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 24,1 tỷ. Mức giá khởi điểm đấu giá cho toàn bộ tài sản trên là 24,4 tỷ đồng, giảm gần 6 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 7.
VietinBank chi nhánh KCN Hải Dương phối hợp cùng tổ chức đấu giá tài sản bán đấu giá công khai khoản nợ của CTCP Phúc Đạt. Toàn bộ giá trị khoản nợ bao gồm gốc, lãi, lãi phạt chưa trả theo hợp đồng tín dụng năm 2014 tính đến ngày 31/3 là 161,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 105,6 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm bảo của khoản nợ gồm hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà điều hành, kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, hệ thống nhà xưởng và các công trình phụ trợ, toàn bộ máy móc thiết bị thuộc dự án nhà máy sản xuất xi măng trắng. Dự án nhà máy được hình thành trong tương lai được xây dựng và lắp đặt trên diện tích đất thuê hơn 4,6 ha tại xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Giá khởi điểm ngân hàng chào bán là 74,6 tỷ đồng, giảm 31 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 5.
VietinBank chi nhánh Lâm Đồng cho biết ngân hàng đang có nhu cầu tìm kiếm tổ chức bán đấu giá công khai khoản nợ của một doanh nghiệp sản xuất cà phê. Theo đó, tổng dư nợ tính đến 31/8 của Công ty TNHH B&V Cà Phê Việt Nam là 10,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là nhà xưởng và toàn bộ máy móc thiết bị rang xay cà phê đặt tại nhà xưởng ở KCN Phú Hội, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Giá khởi điểm đối với tài sản trên là 10,7 tỷ đồng, tương đương với tổng giá trị khoản nợ.
Bên cạnh VietinBank và BIDV, Agribank cũng có thông báo bán đấu giá nhà xưởng diện tích 2.786 m2 và hệ thống máy móc thiết bị sản xuất thép ống tại nhà xưởng phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm 14,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Đầu tư PGV tại Agribank chi nhánh An Phú.