|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Dấu mốc quan trọng trong phát triển năng lượng quốc gia

“Việc đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược sâu rộng, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong định hướng phát triển của Tập đoàn và ngành năng lượng Việt Nam”, TS. Nguyễn Quốc Thập nhận định.

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chính thức bước sang một trang mới với tên gọi Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện ghi dấu một cột mốc quan trọng, mở ra vận hội mới cho Tập đoàn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế đất nước. Nhân dịp này, phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam về ý nghĩa chiến lược và những cơ hội mà sự thay đổi này mang lại.

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Dấu mốc quan trọng trong phát triển năng lượng quốc gia

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

PV: Thưa ông, vừa qua, Petrovietnam chính thức được định danh là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về dấu mốc quan trọng này?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Đây là một dấu mốc quan trọng tạo ra vận hội mới và một hành lang pháp lý đủ rộng để Petrovietnam có thể tiếp tục phát triển trong xu thế chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế đất nước.

Qua tên gọi có thể nhận thấy, chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn có sự kế thừa và phát triển mở rộng từ lĩnh vực dầu khí sang công nghiệp - năng lượng. Điều đó trước hết thể hiện sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng và Nhà nước giao cho Petrovietnam giữ trọng trách to lớn hơn, làm trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng của quốc gia.

Đây là một quyết định đúng đắn, mang tính tất yếu, phù hợp bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thay thế cho năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trên thế giới hiện nay.

Việc đổi tên cũng sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn mở rộng hoạt động, phát huy tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống, hướng tới phát triển đa dạng và đồng bộ các loại hình công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân... đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Việc định danh này mang ý nghĩa gì về mặt kinh tế và chiến lược quốc gia, thưa ông?

TS. Nguyễn Quôc Thập: Việc đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược sâu rộng, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong định hướng phát triển của tập đoàn và ngành năng lượng Việt Nam.

Việc định danh mới sẽ tạo cơ sở và tiền đề để Petrovietnam cập nhật và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước, trong đó Petrovietnam đóng vai trò trụ cột đặc biệt quan trọng trong bài toán an ninh năng lượng Quốc gia. Về mặt kinh tế, rõ ràng quy mô, tầm vóc hoạt động rộng của Petrovietnam sẽ giúp khơi thông mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực ở bên trong, cũng như bên ngoài, nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng một cách khả thi và hiệu quả.

Tên gọi mới gắn với chức năng, nhiệm vụ mới, nhằm hiện thực hóa chủ trương đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp năng lượng của đất nước nói riêng. Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Petrovietnam sẽ không chỉ tập trung vào khai thác dầu khí mà còn phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, góp phần vào sự ổn định và bền vững của hệ thống năng lượng quốc gia.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Tập đoàn sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong thực hiện các mục tiêu này thông qua việc đầu tư vào công nghệ mới, phát triển năng lượng sạch và các ngành công nghiệp năng lượng tiên tiến, đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng quốc gia, chủ động thích ứng với sự biến động của thị trường dầu khí toàn cầu, tăng khả năng hội nhập, cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

PV: Theo ông, việc mở rộng định danh sẽ tạo cơ hội gì cho Petrovietnam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Với định danh mới này cho phép Petrovietnam phát triển không giới hạn trong tất cả các phân ngành của lĩnh vực năng lượng, bao gồm từ lĩnh vực năng lượng truyền thống, tới phi truyền thống và năng lượng tái tạo. Trong đó, chuỗi công nghiệp năng lượng được đặc biệt coi trọng.

Tên gọi mới thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn, giúp Tập đoàn tái định vị và nâng cao thương hiệu, thể hiện sự đổi mới và thích ứng, bước vào chặng đường phát triển mới, đặc biệt trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu hiện nay. Đồng thời mở ra dư địa để Tập đoàn thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế trên thị trường khu vực và toàn cầu, phát huy nguồn lực, phát triển khoa học công nghệ, tham gia và đóng góp vào việc phát triển năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng, Tập đoàn với truyền thống, kinh nghiệm, nguồn lực đã tích lũy trong suốt quá trình hình thành và phát triển 50 năm qua, sẽ có điều kiện để mở rộng quy mô, tầm vóc, giải phóng sức lao động và sáng tạo, chủ động và tích cực, tiên phong và dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.

PV: Với vai trò tiên phong trong phát triển ba trụ cột chiến lược: Năng lượng – Công nghiệp – Dịch vụ, đặc biệt là năng lượng, Petrovietnam cần những cơ chế gì để phát huy tối đa năng lực?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Petrovietnam cần một Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế Tài chính mới đủ thông thoáng, thể hiện và quán triệt đầy đủ tinh thần của các Nghị quyết của Bộ Chính trị về năng lượng, về dầu khí như Nghị quyết 55-NQ/TW, Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW và các Nghị quyết khác của Bộ Chính trị, Quốc hội cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, Chiến lược phát triển của Petrovietnam cũng cần được xây dựng và cập nhật theo Chiến lược phát triển Năng lượng Quốc gia, Chiến lược phát triển ngành dầu khí, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh và các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới, để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn cho Tập đoàn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Tưởng (Thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết