|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sàn giao dịch tín chỉ carbon: Kỳ vọng thị trường tỷ đô

Được kỳ vọng mang lại giá trị giao dịch hàng tỷ USD, hiện hành lang pháp lý cho hoạt động sàn giao dịch tín chỉ carbon đang được gấp rút hoàn thiện.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về lộ trình xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon thí điểm tại Việt Nam.

200 doanh nghiệp sắt thép, nhiệt điện, xi măng tham gia thí điểm

- Thưa ông, đâu là những trọng tâm trong giai đoạn thí điểm sàn giao dịch carbon hiện nay?

Ông Tăng Thế Cường: Giai đoạn thí điểm từ tháng 6/2025 cho đến hết năm 2028, chúng tôi tập trung vào các cơ sở phát thải lớn trong ba lĩnh vực trọng điểm: sắt thép, xi măng và nhiệt điện. Khoảng 200 doanh nghiệp sẽ tham gia thí điểm.

Ông Tăng Thế Cường

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu

Đây là bước đi đầu tiên để tạo nền móng cho thị trường carbon Việt Nam. Song song, chúng tôi cũng đang thiết lập hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, từ khâu cấp phát đến giao dịch, đảm bảo liên thông với các tiêu chuẩn quốc tế.

-Thể chế cho sàn giao dịch đang được hoàn thiện ra sao, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Hiện, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định về hoạt động của sàn giao dịch carbon, dự kiến trình Chính phủ và ban hành trong tháng 6/2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để vận hành thí điểm sàn đến năm 2028.

Về trao đổi carbon quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhằm cho phép giao dịch tín chỉ carbon xuyên biên giới theo các cơ chế của Thỏa thuận Paris.

Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2029 có thể vận hành chính thức thị trường, có khả năng kết nối với các hệ thống giao dịch quốc tế như EU ETS, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

- Vậy còn những rào cản kỹ thuật hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Một thách thức lớn là thiếu các tổ chức tư vấn độc lập về kiểm kê khí nhà kính và xác minh tín chỉ carbon. Hiện, cả nước chỉ có vài đơn vị đáp ứng tiêu chuẩn này.

Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp để mở rộng hệ thống tổ chức được công nhận. Đồng thời, xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến liên thông giữa doanh nghiệp, bộ ngành và tổ chức quốc tế, nhằm theo dõi biến động của tín chỉ trong và ngoài nước.

Hình thành hệ sinh thái trao đổi carbon nội địa

- Các doanh nghiệp tư nhân có sẵn sàng tham gia thị trường không, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Qua khảo sát phối hợp với Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới, nhiều doanh nghiệp đã có nhận thức rõ ràng, thậm chí tạo được tín chỉ carbon đạt chuẩn quốc tế. Nhưng họ cần một hệ thống trong nước rõ ràng, minh bạch và có hướng dẫn cụ thể.

Thép. Ảnh TCT

Doanh nghiệp sản xuất thép sẽ phải tham gia sàn giao dịch carbon thí điểm. Ảnh minh họa: TCT

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng sổ tay hướng dẫn thị trường carbon tự nguyện, để kết nối các doanh nghiệp giảm phát thải (như trồng rừng, nông nghiệp) với các doanh nghiệp phát thải lớn (như thép, xi măng).

Chúng tôi kỳ vọng hình thành hệ sinh thái trao đổi carbon nội địa, giúp giảm chi phí, tăng minh bạch và khuyến khích đầu tư công nghệ sạch.

- Vậy theo ông, điều kiện nào để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực mới này?

Ông Tăng Thế Cường: Thị trường carbon không thể phát triển nếu thiếu tính minh bạch và sự giám sát độc lập. Chúng ta cần đồng bộ ba trụ cột: pháp lý - kỹ thuật - nhận thức doanh nghiệp. Khi có hệ thống minh bạch, doanh nghiệp sẽ tự tin đầu tư vào công nghệ giảm phát thải.

Thị trường carbon là công cụ hiệu quả để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Chúng tôi kêu gọi sự nhập cuộc mạnh mẽ từ doanh nghiệp và mong muốn hình thành hệ thống giao dịch công bằng, hiệu quả, minh bạch - không chỉ cho Việt Nam mà còn kết nối khu vực và quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán London (LSEG), quy mô thị trường carbon toàn cầu năm 2023 đạt mức kỷ lục 949 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2022. Nhu cầu tín chỉ carbon được dự báo sẽ tăng gấp 15 lần, lên 1,5-2 GtCO2 mỗi năm vào năm 2030 và tăng 100 lần lên 7-13 GtCO2 vào năm 2050 nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Thu Hường - Hải Linh

Tác giả: Thu Hường - Hải Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết