|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ngày tháng lịch sử tiếp quản tài liệu Dầu khí sau giải phóng miền Nam

Ngay khi giải phóng miền Nam, các tài liệu dầu khí của chính quyền Sài Gòn cũ và các công ty dầu khí để lại được ta thu giữ và bảo vệ. Đây là những tài liệu quan trọng, làm cơ sở xây dựng và phát triển ngành dầu khí Việt Nam sau này. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 50 năm thành lập Petrovietnam (1975 – 2025), Tạp chí Năng lượng Mới/Petrotimes có cuộc trao đổi với ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), người trực tiếp tham gia công tác tiếp quản tài liệu dầu khí và lập báo cáo trình Bộ Chính trị.

Làm việc ngày đêm để thu thập thông tin, tư liệu

Ông Ngô Thường San - Ảnh: Phương Ngân

Ông Ngô Thường San - Ảnh: Phương Ngân

Những ngày cuối tháng 4/1975, ông Ngô Thường San khi đó công tác ở Viện Khoa học Việt Nam, thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, cùng đoàn khảo sát 4 – 5 anh em đang lênh đênh trên vùng biển vịnh Hà Cối, Bái Tử Long và quần đảo Cô Tô để thu thập tư liệu cho đề tài nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí Bắc Vịnh Bắc bộ. Trên thuyền lúc đó không có điện thoại, cũng không có radio hay phương tiện liên lạc gì nên anh em không hay biết về chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Đến chiều 1/5, thuyền cập vào đất liền thì mới biết Sài Gòn đã được giải phóng từ 30/4. Ông và các anh em trong đoàn vội bắt xe từ Hòn Gai (Quảng Ninh) về Hà Nội.

Trưa hôm sau về đến nhà, ông San ngỡ ngàng vì trong thời gian ông đi công tác, vợ ông được lệnh của Bộ Giáo dục đã đi theo ô tô vào Nam tiếp quản cơ sở giáo dục ở Sài gòn từ khoảng ngày 27 – 28/4, hai con của ông bà cũng theo một người dì vào miền Nam bằng tàu thủy. Ba mẹ ông thì mỗi người theo một đoàn khác nhau cũng đã đi vào Nam. Không còn ai ở nhà cả. Lúc đó ông San cũng không biết liên lạc với ai để xem gia đình hiện nay như thế nào. Sau đó, qua thông tin từ Ban Thống nhất miền Nam, ông được biết gia đình đang trên đường vào Sài Gòn, bộ đội đến đâu thì đoàn xe đến đó nên cũng an tâm.

Đến khoảng cuối tháng 5, Ủy ban Khoa học Nhà nước nhận được công điện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam do Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng ký với bí danh Bảy Hồng chỉ đạo thu xếp để ông San đi theo đoàn tiếp quản vào Nam. Và ông San được lệnh đến nhận nhiệm vụ tại Ban Thống nhất. Tại đây ông được thông báo về chuẩn bị để khoảng mùng 10/6 đi vào trong Nam.

Khoảng ngày 10 - 11/6, ông San cầm trong tay chỉ thị của Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng và đăng ký được chỗ lên máy bay đi vào Nam do Ban Thống nhất thu xếp. Đi đoàn với ông San có ông Đào Duy Chữ, lúc đó công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ông Vũ Trọng Đức là chuyên viên kỹ thuật của Tổng cục Hóa. Trên máy bay họ mới biết đến nhau.

Xuống tới sân bay, ông San được Ban Quân quản miền Nam bố trí đến ở và làm việc ngay tại Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi trước đây là trụ sở Tổng Cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn, cũng là nơi tập trung tài liệu dầu khí tiếp quản được. Ông Đào Duy Chữ và ông Vũ Trọng Đức được cơ quan chủ quản bố trí ở một nơi khác, hằng ngày đến để làm nhiệm vụ. Tại đây còn có ông Hồ Đắc Hoài, do Tổng Cục Địa chất bố trí sang tham gia đoàn tiếp quản tài liệu dầu khí.

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng là nơi tiếp quản tài liệu dầu khí, nay là Bảo tàng Điạ Chất - Ảnh: Mai Phương

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng là nơi tiếp quản tài liệu dầu khí, nay là Bảo tàng Điạ Chất - Ảnh: Mai Phương

Khoảng ngày 20/6 nhóm bắt đầu chính thức nhận nhiệm vụ và được giao trong phạm vi 1 tháng rưỡi, nghĩa là đến cuối tháng 7, phải hoàn thành báo cáo về toàn bộ hoạt động dầu khí của chính quyền Sài Gòn và đánh giá triển vọng dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam.

Tất cả tài liệu dầu khí được tập trung về căn phòng ở lầu 2, nơi trước đây là phòng làm việc của Tổng Cuộc trưởng Tổng Cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (Tổng cuộc). Tài liệu rất nhiều, tất cả bằng Tiếng Anh, chất đầy cả gian phòng rộng khoảng 30 m2. Nhóm phải sắp xếp, hệ thống lại tài liệu, phân ra tài liệu của từng công ty dầu khí, của chính quyền Sài Gòn, của Tổng Cuộc,... Theo nhiệm vụ được phân công, ông Đào Duy Chữ và ông Vũ Trọng Đức chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu liên quan đến cơ sở kinh tế - pháp lý như các hợp đồng dầu khí, các văn bản, tài liệu về các cuộc họp của Tổng Cuộc, các cuộc làm việc của Tổng Cuộc với các nước Đông Nam Á, cũng như tài liệu các buổi làm việc của chính quyền Sài Gòn với chính phủ các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine. Còn ông Ngô Thường San và ông Hồ Đắc Hoài tập trung vào thu thập tài liệu để làm báo cáo về lĩnh vực địa chất và tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Cả ngày đêm, nhóm tập trung đọc tài liệu, ghi chú và viết báo cáo. Cùng với nhóm, còn có 4 chuyên viên kỹ thuật và 2-3 nhân sự đánh máy, là những nhân viên cũ của Tổng Cuộc còn ở lại, họ cũng đến làm việc hằng ngày để hỗ trợ nhóm truy những tài liệu còn thiếu, bị thất lạc và giúp đánh máy báo cáo. Tất cả đều được bảo mật cẩn thận, an ninh chặt chẽ, dưới sự bảo vệ của Ban Quân quản.

Với những tấm bản đồ phải in và đưa vào báo cáo, do không có máy in và người can vẽ, nhóm đã được sự hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và liên hệ được với nơi đang tiếp quản Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu ngụy, ở đó có một xưởng in lớn. Tất cả khoảng 80 tấm bản đồ về phân lô, cấu tạo địa chất được nhóm tập hợp lại và đưa qua xưởng in để chụp, phóng đại lên và in ra làm hai bản, những ảnh cỡ nhỏ để đưa vào báo cáo và những ảnh in cỡ lớn để trình bày. Anh em ở đó cũng làm ngày đêm để giúp in tài liệu.

Ông San cho biết, khi làm báo cáo địa chất và tiềm năng dầu khí, không chỉ là thu thập thông tin, nhóm đã hệ thống hóa, phân chia lại tương đối cụ thể từng vùng địa chất, xác định từng bể riêng biệt và đánh giá tài nguyên. Cụ thể, theo tài liệu tiếp quản, cấu trúc điạ chất khu vực vùng rộng lớn được gọi là bể Sài Gòn – Sarawak, sau khi nghiên cứu thấy đó là các bể trầm tích Đệ Tam tách biệt, nhóm đã tách ra và đặt tên lại bể là bể trầm tích Cửu Long, bể Nam Côn Sơn, bể Sarawak. Đồng thời, mặc dù không có tài liệu, nhưng dựa trên một số dữ liệu địa chất ban đầu của Hải quân Mỹ, nhóm xác định có vùng trũng ở miền Trung kéo ra đến tận Hoàng Sa, Trường Sa và đặt tên là bể Quảng Đà (Đà Nẵng – Quảng ngãi). Sau này bể này được đổi tên thành bể Phú Khánh. Còn bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long vẫn giữ nguyên tên gọi đến ngày nay. Bể Sarawak cũng được Malaysia giữ nguyên tên gọi. Riêng đồng bằng sông Cửu Long không xác định vùng trũng vì không có tài liệu vẫn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về tiềm năng dầu khí, nhóm thu thập tài liệu và mô tả địa chất của từng cấu tạo, đồng thời, đưa tất cả các mỏ và cấu tạo về trên một bản đồ cấu trúc địa chất chung của thềm lục dịa phía nam Việt Nam. Nhóm ông Ngô Thường San và ông Hồ Đắc Hoài cũng xác định phạm vi phân bố các vùng trũng, qua đó đánh giá tiềm năng tài nguyên dầu và khí khoảng 5 tỷ tấn.

Cơ sở đáng tin cậy ban đầu để phát triển ngành dầu khí Việt Nam

Mặc dù hạn định là cuối tháng 7 nhưng đến 15/7 nhóm đã hoàn thành xong bản báo cáo (dày trên 200 trang), được đánh máy thành 2 bộ. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Biên được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị giao trách nhiệm đặc trách theo dõi công việc của nhóm. Ông Nguyễn Văn Biên theo dõi từng ngày tiến độ và góp ý xây dựng báo cáo.

Khi nhóm xây dựng báo cáo xong, đồng thời với sự góp ý của ông Nguyễn Văn Biên làm một tờ trình khoảng 10 trang, tổng quan lại báo cáo với hai phần. Trong đó, phần một là lịch sử đàm phán và đấu thầu dầu khí, ranh giới, chủ quyền thềm lục địa, cơ sở kinh tế - pháp lý của các hợp đồng dầu khí và phần thứ 2 là địa chất và đánh giá tiềm năng tài nguyên.

Vào một ngày cuối tháng 7, Bộ Chính trị tổ chức họp để nghe trình bày báo cáo. Ông Nguyễn Văn Biên giao nhiệm vụ cho ông Ngô Thường cùng tham dự cuộc họp và trình bày báo cáo tổng kết nghiên cứu đánh giá về tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam.

Ông San còn nhớ, lúc đó khoảng 7 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Biên đến đón ông và cùng mang theo tài liệu báo cáo và các bộ bản đồ để đến cuộc họp. Phòng họp Bộ Chính trị tại T78 (đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM hiện nay). Đến nơi sau khi treo tất cả khoảng 20 tấm bản đồ địa chất, thềm lục địa, các mỏ,… được in khổ lớn lên, khoảng 8 giờ Tổng Bí thư Lê Duẩn đến, cuộc họp bắt đầu. Cuộc họp còn có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Trường Chinh, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị,... Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Biên trình bày báo cáo về hoạt động dầu khí của chính quyền Sài Gòn cũ và các cơ sở pháp lý, sau đó ông San có 45 phút để báo cáo về tình hình địa chất và tiềm năng dầu khí.

Sau khi nghe các báo cáo và trao đổi, Bộ Chính trị rất phấn khởi. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vui và hỏi lại: “Thế miền Nam có dầu khí, miền Trung cũng có à?” (trước đó, không ai nói đến miền Trung có dầu khí). Ông San báo cáo, dựa trên tài liệu, nhóm phát hiện ven biển miền Trung có vùng trũng nhưng do tài liệu còn ít, rời rạc, nên chỉ xác định có sự hiện diện của một bẻ trầm tích còn ranh giới cụ thể thì chưa biết.

Tổng Bí thư Lê Duẩn sau đó đã dành lời khen nhóm hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập một báo cáo công phu trong thời gian ngắn.

Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984) - Ảnh tư liệu

Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984) - Ảnh tư liệu

Báo cáo trên là cơ sở khoa học quan trọng, những dữ liệu chất lượng, đáng tin cậy để Bộ Chính trị định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí sau này. Đến 3/9/1975, Chính phủ ra quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, tiền thân của Petrovietma để quản lý, triển khai hoạt động dầu khí của đất nước; đồng thời công bố chính thức về chủ quyền thềm lục địa Việt Nam. Tổng Cục Dầu mỏ và Khí đốt ngay lúc đó cũng thông báo phân lô dầu khí và kêu gọi đầu tư. Các công việc xây dựng và phát triển ngành dầu khí được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, với niềm tin, kỳ vọng dầu khí sẽ trở thành bàn đạp, để khôi phục kinh tế sau chiến tranh và là động lực cho sự phát triển của đất nước sau năm 1980.

Ngày 12/5/1975, Đoàn Địa chất B do Tổng cục Địa chất cử vào khảo sát địa chất ở vùng do Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam kiểm soát đã tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là tổ chức đầu tiên đã tiếp quản (về mặt hành chính) cơ sở này. Đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn các tài liệu của các công ty dầu khí làm trước ngày giải phóng Sài Gòn.

Mai Phương (ghi)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết