Những dấu ấn đậm nét của người Dầu khí ở làng Khuốc
Những năm 1969-1975 làng Khuốc (xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình) là một trong số những thôn làng sôi động nhất miền Bắc bấy giờ, khi có Đoàn khoan 36S (thuộc Liên đoàn Địa chất 36, thuộc Tổng cục Địa chất) về hoạt động tại đây. Ngày nay, tại khoan trường thuở xưa chỉ còn một ít di tích, song những dấu ấn mà Đoàn 36S để lại vẫn còn đậm nét trong tâm khảm nhiều người dân trong làng.
Chúng tôi có mặt tại xã Phong Châu vào một ngày cuối thu. Trong cái thời tiết se se lạnh, đi trên con đường rải nhựa cùng ánh nắng vàng, lòng chúng tôi lâng lâng trước cảnh tượng của một ngôi làng yên bình, xinh đẹp.
Đến làng Khuốc bây giờ, đa số du khách sẽ nghĩ ngay đến nghệ thuật hát chèo truyền thống đã làm nên tên tuổi của làng. Nhưng có lẽ ít người biết về dấu ấn của ngành dầu khí tại đây. |
Đập vào mắt chúng tôi là hai chiếc bể lớn (đựng dung dịch khoan), mỗi chiếc có chiều rộng 10 mét và chiều dài lên tới 20 mét, được xây bằng gạch, trát xi măng rất chắc chắn.
Hai bể chứa dung dịch khoan xưa kia may mắn nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. |
Cách đó không xa là hàng chục ụ bê tông nằm rải rác trong khu vực rộng hàng ngàn mét vuông. Có những ụ nằm lẫn trong ruộng lúa đã gặt, có ụ bị cỏ lách bao vây um tùm. Nếu không được người dân chỉ dẫn, chắc hẳn không ai biết đó là những di tích của một khoan trường cực kỳ sôi động vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Những gì còn sót lại của một đại công trường chỉ là bể chứa dung dịch, những ụ bê tông trước kia là phần nền, móng của giàn khoan. |
Cây cỏ đã phủ kín những vết tích còn lại của công trình nhưng với một số ít người dân ở đây, đó là những ngày tháng không thể nào quên, đó là những kỷ niệm sẽ không bị phai mờ theo thời gian. |
Ông Cao Thanh Bình (sinh năm 1954) hào hứng khi nhớ lại những ký ức của tuổi thơ. Gia đình ông sống sát khoan trường, nên mọi "di biến động" của nó ông đều nhớ như in. Có thể nói đó là những ký ức đẹp đẽ, đặc biệt, sâu sắc nhất trong đời của ông Bình.
Ông Cao Thanh Bình có lẽ là một trong số ít nhân chứng hiếm hoi của làng Khuốc còn nhớ khá chi tiết về thời kỳ giàn khoan GK100 hoạt động ở đây. |
Bà Bùi Thị Hồng, nhà ở sát hai chiếc bể chứa dung dịch khoan chia sẻ. Bà về đây làm dâu đã được mấy chục năm nên cũng được bố mẹ chồng kể nhiều chuyện về giàn khoan. Thuở bé, bà Hồng ở xóm dưới, ngày ngày cắp sách đi học qua đều nhìn thấy sự hoạt động nhộn nhịp ở khoan trường. "Nghe bố mẹ chồng tôi kể lại thì thời điểm ấy khoan trường hoạt động suốt ngày đêm. Nhiều gia đình xin đấu nhờ được 1-2 bóng điện, bọn trẻ con thì hay sử dụng ít tiếng Nga học được để xin… bánh mì từ các “ông Tây”. Thời đó dân mình còn đói lắm, đến khoai ngứa còn chả có mà ăn, nên đứa nào xin được nửa cái bánh mì thì sung sướng cả tuần" - bà Hồng nhớ lại.
Nền móng của trụ đỡ giàn khoan vẫn còn đến bây giờ, nếu không có những người dân như ông Bình giải thích thì có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đây là nền móng của... cột điện cao thế. |
Được biết từ tháng 2-1969, những vật liệu, thiết bị đầu tiên đã được chuyển về để xây dựng khoan trường GK 100. Đến tháng 9-1970, khoan trường và giàn khoan được lắp đặt xong, những mét khoan đầu tiên xuống cánh đồng làng Khuốc được tiến hành.
Các giếng khoan ở Đồng bằng sông Hồng được đánh số theo quy định về độ sâu. Những giếng sâu dưới 1.200m thì mang số hiệu dưới 50; mang số hiệu từ 50-59 là những giếng 1.700m; mang số hiệu từ 60-99 là những giếng 2.400m. Và mang số hiệu 100 trở lên là những giếng khoan sâu hơn 3.000m.
Lắp ráp máy khoan 4LD-150D trên nền khoan giếng GK-100. (Ảnh tư liệu) |
Hoạt động của giàn khoan GK100 được tiến hành trong 6 năm, tính cả thời gian xây dựng. Trong suốt khoảng thời gian đó, rất nhiều mồ hôi, sức lực, thậm chí là máu đã đổ tại khoan trường này. Ngày 23-9-1970, những mét khoan đầu tiên tại khoan trường 100 được tiến hành. Hơn một năm sau thì đạt chiều sâu 3.000m; thêm 70 ngày nữa thì đạt chiều sâu 3.303m. Đó là kỷ lục khoan sâu ở Việt Nam thời điểm đó. Điều đáng nói, bộ máy khoan 4LD-150D chỉ khoan sâu 3.200m, nhưng do yêu cầu về địa chất nên đã khoan thêm 103m.
Trong suốt 6 năm, những người công nhân, kỹ sư của Việt Nam với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô đã thực hiện những việc chưa từng có trong lịch sử non trẻ của ngành Dầu khí nói riêng cũng như ngành địa chất nói chung. Đó là vận chuyển những thiết bị siêu trường, siêu trọng, khoan 1 lỗ khoan hơn 3.000m... dưới muôn vàn áp lực, khó khăn. Đây là tiền đề để Liên đoàn 36 tiếp tục thực hiện những giếng khoan sâu khác.
Giàn khoan F-200 của Romania khoan tìm kiếm dầu khí ở Đồng bằng sông Cửu Long. |
Cũng theo ông Bình, từ khi xuất hiện những công nhân kỹ sư người Việt Nam đầu tiên, rồi các chuyên gia Liên Xô, cho đến một khoan trường hùng vĩ hiện ra, hoạt động hơn 5 năm, làng Khuốc đã có những đổi thay hết sức đáng ghi nhận.
Đầu tiên là tuyến đường từ tỉnh lỵ về đến xã đã được sửa sang, rải đá, làm asphal rất chắc chắn. Khi mà đa phần các tuyến đường nông thôn đều trong tình cảnh là đường đất, hay gồ ghề đá gộc, đầy ổ gà ổ voi... thì con đường làng Khuốc đã rất "xịn sò".
Tiếp đến, nhiều căn nhà, nhiều ngõ xóm đã được thắp điện sáng trưng, nhiều nhà đấu được bóng điện, sử dụng đài Cassette... đời sống tinh thần của người dân trong làng được nâng lên một bước. Làng Khuốc vốn nổi tiếng có nhiều nghệ nhân hát chèo, nên các làn điệu chèo đã được thu âm vào băng Cassette, góp phần giữ gìn, phổ biến môn nghệ thuật này trong quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó một thế hệ trẻ em, thanh thiếu niên ở làng đã được tận mắt chứng kiến những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thời bấy giờ. Sau này nhiều người trưởng thành, học giỏi và có thành tựu trong các ngành, các cấp...
Phong Sơn - Minh Tiến