Mối đe dọa về thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã kết thúc
Mối đe dọa về thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cuối cùng đã kết thúc sau cuộc họp tuần trước giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ (UST) Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng.
Như vậy, rủi ro thuế quan đã đeo bám thị trường chứng khoán và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều tháng qua nay đã giải tỏa và kỳ vọng sẽ giúp cho đồng Việt Nam tăng giá bền vững.
Mối đe dọa đánh thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã được giải tỏa |
Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam, cáo buộc Việt Nam làm giảm giá trị của đồng Việt Nam xuống 10% dưới giá trị hợp lý một cách có chủ đích, và Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra theo “Điều khoản 301” về thông lệ thương mại của Việt Nam. Những hành động này đã làm dấy lên sự lo ngại ở Việt Nam vì Chính phủ Mỹ đã sử dụng Điều khoản 301 như một lý do để áp đặt thuế quan lên tới 25% đối với gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 26% trong năm 2020, và sau đó tăng thêm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên tới 38 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Những số liệu này trong bối cảnh: Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tương đương 20% GDP so với thặng dư thương mại 2%/GDP của Trung Quốc với Mỹ. Và một trong những tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để bị xem là “thao túng tiền tệ” khi có thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD với Mỹ trong suốt một năm.
Chính vì vậy khi Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố thỏa thuận chung mang tính ngoại giao rằng: Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép giá trị của đồng Việt Nam tăng phù hợp với nền tảng kinh tế vững mạnh của Việt Nam. Đây được cho là một chiến thắng lớn cho Việt Nam ở nhiều phương diện.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ đã chấm dứt đe dọa áp đặt thuế quan đối với Việt Nam bất chấp thặng dư thương mại của Việt Nam tăng cao, hoặc thực tế là Việt Nam tiếp tục vượt quá tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để bị coi là nước thao túng tiền tệ. Diễn biến này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam vì lý do địa chính trị và cho thấy Mỹ sẵn sàng bỏ qua để thúc đẩy quan hệ bền chặt giữa cả hai nước.
Ngoài việc không có thuế quan sẽ khuyến khích dòng vốn FDI, thỏa thuận này cũng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn bằng cách: Kích thích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (tức là dòng vốn FII) vì các nhà đầu tư đó ưu tiên các quốc gia ổn định, hoặc có nội tệ tăng giá. Khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao mức sống của người tiêu dùng trong nước bằng cách thúc đẩy sự phát triển hơn nữa nền kinh tế nội địa của Việt Nam…
Tuy vậy, theo phân tích của VinaCapital, tuyên bố chung Việt - Mỹ rõ ràng ngụ ý rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang chịu áp lực đáng kể để cho phép đồng Việt Nam tăng giá, điều này được củng cố bởi tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai rằng “USTR, phối hợp với Bộ Tài chính, sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết… liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình. “Theo quan điểm của chúng tôi, việc giá trị của đồng Việt Nam tăng đều 2-3%/năm hiện là điều gần như chắc chắn, vì lượng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào trong nước và do Ngân hàng Trung ương Việt Nam sẽ không còn tiếp tục “các biện pháp can thiệp không trung hòa” làm giảm giá trị của đồng Việt Nam trong những năm gần đây”- đại diện của VinaCapital đánh giá.
Mai Ca