|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ sư trẻ giữ nhịp "trái tim" Nhà máy đạm Phú Mỹ

Từng bỡ ngỡ trước dây chuyền hiện đại, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, kỹ sư Trịnh Xuân Lương (35 tuổi) đã làm chủ hệ thống DCS của Xưởng Amoniac, nơi được ví như “trái tim” Nhà máy đạm Phú Mỹ. Không chỉ giỏi vận hành, anh còn ghi dấu với loạt sáng kiến từ thực tiễn và mới đây vinh dự được trao danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2025.

Kỹ sư trẻ giữ nhịp
Danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2025 là phần thưởng xứng đáng cho hành trình âm thầm nhưng bền bỉ, tận tâm của kỹ sư trẻ Trịnh Xuân Lương

Đi để giữ nhịp cho “trái tim” khổng lồ

Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, anh Trịnh Xuân Lương tốt nghiệp đại học chuyên ngành lọc - hóa dầu, nhưng hành trình nghề nghiệp đầu tiên của anh lại gắn với phòng thí nghiệm của một nhà máy luyện gang thép. 2 năm trong môi trường công nghiệp nặng giúp anh hiểu rõ giá trị của kỹ năng, sự cẩn trọng và cả giới hạn của việc “làm trái chuyên môn”. Năm 2017, anh rời quê, mang theo khát vọng được làm đúng ngành, đầu quân cho Nhà máy đạm Phú Mỹ và chính thức bắt đầu hành trình làm nghề một cách trọn vẹn.

Anh Lương bắt đầu ở vị trí vận hành hiện trường, trực tiếp tiếp xúc với thiết bị và dây chuyền sản xuất. Sau một thời gian rèn giũa, anh được tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí kỹ sư vận hành DCS, một hệ thống điều khiển trung tâm. Xưởng Amoniac là một trong những phân xưởng quan trọng nhất của Nhà máy đạm Phú Mỹ, đi vào hoạt động từ năm 2004 với công suất thiết kế 450.000 tấn/năm và đã được nâng lên 540.000 tấn/năm từ năm 2018. Không chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu NH3 cho sản xuất Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ, xưởng còn góp phần đáp ứng đáng kể nhu cầu amoniac trong nước.

Tôi có mặt trong ca trực của anh Lương vào một ngày giữa tháng 6. Đập vào mắt tôi là hình ảnh hàng trăm thông số kỹ thuật hiện rõ trên màn hình, mỗi người một vị trí, mắt không rời tín hiệu, tai dán sát bộ đàm. Thi thoảng, âm thanh cảnh báo vang lên, xé tan không gian im lặng.

“Lúc mới vào, mình choáng ngợp. Thiết bị hiện đại, quy trình phức tạp, mỗi thao tác đều phải chuẩn xác từng chi tiết. Khối lượng kiến thức khổng lồ khiến mình nhiều lúc áp lực, không biết bao giờ mới hiểu hết để xử lý trơn tru”, anh Lương kể. Nhưng nhờ sự kiên trì và tinh thần cầu thị, cùng sự chỉ dẫn tận tình của các anh đi trước, anh dần làm chủ từng nút vận hành, từng quy trình và đặc biệt là… học được cách lắng nghe những bất thường từ bên trong hệ thống.

“Vận hành Xưởng Amoniac giống như giữ nhịp tim cho cả nhà máy. Nếu nơi này có trục trặc, toàn bộ dây chuyền phía sau sẽ bị ảnh hưởng”, anh Lương chia sẻ.

Công việc theo ca, 12 tiếng/ngày, xoay vòng giữa ca ngày - ngày nghỉ - ca đêm khiến đồng hồ sinh học của anh phải thích nghi linh hoạt. Nhà ở Vũng Tàu, cách nhà máy hơn 40km, nên mỗi khi trực ca sáng, anh phải rời nhà từ 5 giờ 45 phút và rời nhà máy về đến nhà cũng muộn hơn những đồng nghiệp khác. Gần 8 năm qua, lịch trình ấy lặp đi lặp lại như một thói quen bền bỉ.

“Mình đi làm không chỉ vì công việc, mà còn là trách nhiệm với một hệ thống đang “thở” từng nhịp”, anh nói.

Và trong số những sự cố đã gặp, anh Lương nhớ nhất là lần mất điện đột ngột. Toàn bộ màn hình DCS tắt tối đen, nhưng máy móc hiện trường vẫn đang chạy. Không có dữ liệu, không có phản hồi, anh phải hành động thật nhanh để xác định thiết bị nào còn hoạt động, thiết bị nào đã ngừng và phối hợp xử lý kịp thời. Với anh, đó là khoảnh khắc thử thách bản lĩnh, khi mọi thứ không còn theo “kịch bản”.

Kỹ sư trẻ giữ nhịp

Anh Trịnh Xuân Lương (người đầu tiên) cùng đồng nghiệp trong ca trực

Sáng kiến từ ca trực và khát khao cống hiến

Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Lương còn được đồng nghiệp đánh giá là người có tinh thần cải tiến mạnh mẽ. Từ những ca trực, anh luôn chủ động quan sát, phát hiện điểm bất hợp lý trong quy trình và đề xuất cải tiến.

Năm 2023, anh cùng đồng nghiệp đề xuất sáng kiến “Lắp thêm 01 van block trên đường drain 6 inch” chung của 10-V3001, 10-V3002 để điền dịch MDEA trong quá trình chuẩn bị khởi động cụm tách CO2. Sáng kiến giúp rút ngắn thời gian điền dịch và tiết kiệm lượng khí N2/NG sử dụng để gia áp cho hệ thống. Đề tài được công nhận là sáng kiến cấp tổng công ty, với giá trị làm lợi rõ rệt.

Không dừng lại ở đó, năm 2024, anh tiếp tục có sáng kiến “Purge 10-HTER sau bảo dưỡng”, một giải pháp giúp bảo vệ xúc tác và rút ngắn đáng kể thời gian bàn giao thiết bị sau bảo trì. Sáng kiến nhanh chóng được công nhận cấp nhà máy và đưa vào áp dụng thực tế.

“Mỗi lần một sáng kiến được thông qua và áp dụng, mình thấy tự tin hẳn lên. Nó giống như lời khẳng định mình đang có ích, đang thực sự đóng góp cho tập thể nơi mình làm việc”, anh chia sẻ. Rồi anh cười và nói: “Nếu cứ đi làm đều đặn mà không cống hiến gì, thì trong lòng mình vẫn thấy thiếu..., thấy tự ti lắm!”.

Trước đây, khi còn là một kỹ sư trẻ, anh từng ngưỡng mộ những đàn anh trong Xưởng Amoniac, những người được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc”. Với anh, họ là hình mẫu để học hỏi, là động lực để vươn lên. Và rồi chính anh, năm 2025, đã trở thành người kế tiếp vinh dự được nhận giải thưởng này.

Dù vậy, anh Lương vẫn luôn giữ sự khiêm nhường vốn có: “Mình chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả guồng quay lớn. Thành tích có được là nhờ anh em trong tổ hỗ trợ, động viên và truyền cảm hứng. Giờ mình chỉ mong góp phần tiếp thêm tinh thần cho các bạn kỹ sư trẻ mới vào nghề”.

Khi được hỏi về phương châm sống và làm việc, anh trả lời ngay: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Với anh, mỗi ca trực là một ngày phải hoàn thành công việc thật trọn vẹn, không để tồn đọng và không qua loa. Đó là nguyên tắc làm việc cũng là cách anh tôn trọng chính mình, tôn trọng đồng nghiệp và hơn hết, là bảo đảm sự an toàn của một hệ thống đang vận hành liên tục không ngừng nghỉ.

Có thể anh Lương không phải là người nổi bật giữa đám đông, nhưng trong phòng điều khiển, anh là một trong những người giữ nhịp cho hệ thống luôn an toàn và ổn định. Ở đó, giữa những dòng thông số kỹ thuật và tín hiệu điện tử, có một người kỹ sư thầm lặng đang mỗi ngày vận hành bằng cả trái tim.

Với kỹ sư Trịnh Xuân Lương, mỗi ca trực là một ngày phải hoàn thành công việc thật trọn vẹn, không để tồn đọng và không qua loa. Đó là nguyên tắc làm việc cũng là cách anh tôn trọng chính mình, tôn trọng đồng nghiệp và hơn hết là bảo đảm sự an toàn của một hệ thống đang vận hành liên tục không ngừng nghỉ.

Phương Ngân


Tác giả: Phương Ngân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết