Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)
Sáng nay (13/5), Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau đó thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Nhiều bất cập sau hơn một thập kỷ thực thi
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), ban hành từ năm 2014, đã góp phần tạo lập hành lang pháp lý cơ bản trong việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với vai trò của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập. Một số quy định còn chồng chéo với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công; mô hình tổ chức cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa chuyên nghiệp; thiếu cơ chế giám sát hiệu quả; chưa rõ ràng trong phân định giữa giám sát và điều hành doanh nghiệp.
Những bất cập đó phần nào kìm hãm tiềm năng phát triển của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, làm suy giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.
Hoàn thiện thể chế, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đã được rà soát, hoàn thiện với nhiều nội dung thay đổi mạnh mẽ so với Luật số 69/2014/QH13. Nhiều quy định mới đã được đề xuất nhằm tăng sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh kinh tế mới.
Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chưa được thể hiện đầy đủ.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/Ảnh minh họa |
Theo đánh giá, việc sửa đổi căn bản, toàn diện và ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) thay thế Luật số 69 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh kinh tế mới; đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Quản lý dòng vốn nhà nước, không quản lý doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 12-NQ/TW về Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu.
Về nội dung, dự thảo cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2015 (Luật số 69).
Đồng thời, dự thảo đã giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp... Theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật đã cắt giảm 7/24 (khoảng gần 30%) thủ tục, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm “người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”. Quy định này đã bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo đúng Kết luận 4348/TB-TTKQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt, ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn”.
Dự thảo Luật cũng kế thừa Luật số 69 về việc doanh nghiệp F1 quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, dự thảo Luật cũng có nhiều quy định về quản lý doanh nghiệp F2. Tuy nhiên, không quy định đối tượng áp dụng gồm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (doanh nghiệp F2).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Thường trực Ủy ban cho rằng quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo cơ quan thẩm tra, đã thay đổi căn bản so với Luật số 69, phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay.
Bên cạnh đó, để tăng cường phân quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, dự thảo Luật lần này đã thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhấn mạnh quan điểm ủng hộ việc sửa đổi luật một cách căn bản, mạnh mẽ để phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm, làm rõ hơn các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, đảm bảo khả thi, minh bạch, đồng bộ.
Làm rõ thêm một số nội dung, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật lần này có những thay đổi căn bản so với dự thảo trước đây, với sự tham gia góp ý nhiều vòng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Dù chưa toàn diện nhưng dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay đổi căn bản tại dự thảo lần này là đối tượng quản lý. Luật trước đây quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia; còn Luật này chỉ quản phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Với sự thay đổi chủ thể như vậy, các quy định đã được thông thoáng hơn.
Về doanh nghiệp F1, F2, sau nhiều lần thảo luận, Chính phủ đã quyết định chỉ quản lý doanh nghiệp F1, không quản lý đến doanh nghiệp F2. Với nhóm doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, Dự thảo quy định chỉ quản lý thông qua người đại diện vốn. “Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, người đại diện vốn có thể đề xuất tăng vốn; ngược lại, nếu kém hiệu quả, rủi ro, người đại diện có thể đề xuất giảm vốn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Huy Tùng