|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh mục tiêu đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, đáp ứng nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân, hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 11/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh và xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021 - 2025.

Đề án cơ cấu lại EVN đặt mục tiêu phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo; tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam.

Làm nòng cốt để ngành điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Tiếp tục tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định.

Xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

EVN đề xuất, đối với công ty mẹ EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Đối với các đơn vị thành viên, EVN đề xuất giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ EVN đối với một số chi nhánh.

Đồng thời, đề xuất danh mục các doanh nghiệp do EVN giữ 100% vốn điều lệ, 50% vốn điều lệ, dưới 50% vốn điều lệ và triển khai thực hiện thoái vốn…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh và xây dựng đề án tái cơ cấu EVN

Thực hiện Chiến lược phát triển EVN, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ; rà soát, sửa đổi ngành nghề kinh doanh. EVN đề ra các chỉ tiêu nâng cao năng lực quản trị và tập trung vào 3 nhóm giải pháp: hoàn thiện về thể chế quản lý; hoàn thiện cách thức, công cụ quản trị; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế chính sách đãi ngộ đối với người lao động.

EVN xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân bằng tài chính giai đoạn 2021 - 2025 gồm: hoàn thiện quản trị tài chính; tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu trong sản xuất và cung ứng điện; sửa đổi, bổ sung các loại định mức chi phí để tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất kinh doanh; giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật có tác động tới chi phí giá thành trong sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện.

Tập đoàn cũng nêu các giải pháp rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu, thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng…

Tại cuộc họp, đại diện EVN báo cáo thêm về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2021, 2022 và những tháng đầu năm 2023, đồng thời nêu một số kiến nghị liên quan đến giá bán điện, dòng tiền… để doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương… đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thiện và ban hành đề án tái cơ cấu EVN.

Đại diện các Bộ, ngành góp ý thêm một số nội dung liên quan tới: mục tiêu đề án; nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động; sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy; ngành, nghề kinh doanh chính; thành lập doanh nghiệp thành viên; triển khai thoái vốn, cổ phần hóa một số doanh nghiệp trực thuộc; giải pháp khai thác kinh doanh đối với hệ thống điện gió, điện mặt trời; đảm bảo chế độ, chính sách đối với người lao động dôi dư sau tái cơ cấu; xác định mức tiền lương bình quân tối đa đối với người lao động để xây dựng quỹ tiền lương; trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án...

Đồng thời các Bộ, ngành đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN sớm tiếp thu, hoàn thiện dự thảo đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN căn cứ Quyết định 360/QĐ-TTg, các nghị quyết của Chính phủ để xây dựng mục tiêu, nội dung của đề án.

Mục tiêu là phải đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, đáp ứng nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân, hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Tập đoàn phải kinh doanh hiệu quả, bền vững, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại cuộc họp, cân nhắc các yếu tố tác động, bảo đảm đề án hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trên cơ sở mục tiêu và thực tế hoạt động, yêu cầu đặt ra, căn cứ quy định pháp luật hiện nay để thiết kế mô hình EVN cho phù hợp với mô hình của một doanh nghiệp lớn. Căn cứ ngành nghề hoạt động của các công ty để đề xuất tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu, thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng… và đề nghị phải làm rõ các nội dung này trong đề án, tính toán kỹ cơ cấu về quản trị doanh nghiệp.

Đình Tú (t/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết