Điều kiện, ranh giới nào để Việt Nam xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải?
“Điều kiện nào, ranh giới nào cho phép Việt Nam xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải để đảm bảo quốc phòng và an ninh năng lượng quốc gia?” Câu hỏi được đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải” do Báo Nhân Dân và Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT): Hiện nay phần lớn cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải điện do EVNNPT quản lý vận hành.
Cụ thể, EVNNPT hiện đang quản lý vận hành 178 trạm biến áp 220 - 500 kV, với tổng dung lượng gần 112.000 MVA, hơn 28.600 km đường dây. Về các dự án lưới điện trọng điểm, trong những năm qua, dù gặp nhiều vướng mắc, nhưng Tổng công ty cũng đã đưa vào nhiều dự án như: Đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2, các công trình truyền tải nhằm giải tỏa công suất Nhà máy Thủy điện Lai Châu, các nhà máy nhiệt điện: Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn, Hải Dương, Sông Hậu.
Đặc biệt, EVNNPT đã nỗ lực đưa vào các công trình truyền tải giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Cùng đó, là các dự án lưới điện đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn, trung tâm phụ tải, các khu kinh tế trọng điểm.
Theo tính toán, với nhu cầu đầu tư tới 2030 và tầm nhìn đến 2045, căn cứ theo dự thảo Quy hoạch điện VIII (nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải là rất lớn. Theo đó, trong 10 năm (từ 2021 - 2030), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện là hơn 335.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng/năm).
Về chủ trương xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho rằng: Đảng, Nhà nước đã cho phép thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải, góp phần chia sẻ về nguồn lực để đầu tư xây dựng lưới điện, như điều khoản mới trong Điều chỉnh Luật Điện lực mới đây. Tuy nhiên, một số văn bản quy định dưới luật, quy định hướng dẫn chưa cụ thể về phạm vi đầu tư giữa chủ đầu tư nhà nước với chủ đầu tư bên ngoài. Mặt khác, hiện chưa có cơ chế giá với các chủ đầu tư, nên vẫn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xã hội hóa đầu tư truyền tải.
Thảo luận tại tọa đàm, ông Đặng Huy Cường - Thành viên HĐTV EVN và ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong nhiều năm qua, trong vai trò là chủ đầu tư, EVN và EVNNPT luôn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc đầu tư xây dựng và vận hành các công trình truyền tải điện. Những vướng mắc chính hiện nay đối với lưới truyền tải không phải là nguồn vốn, mà là những vấn đề liên quan đến mặt bằng dự án, một số cơ chế chính sách liên quan, nhất là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
EVN được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc đầu tư và vận hành lưới điện (bao gồm cả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô) nên giá/phí truyền tải hiện nay cũng phải đáp ứng cả mục tiêu đó, chứ không phải chỉ xem xét thuần túy về mặt kinh doanh có lợi nhuận.
Về chủ trương, EVN rất ủng hộ thành phần ngoài EVN tham gia đầu tư lưới truyền tải. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Điều kiện nào và ranh giới nào cho phép xã hội hóa để đảm bảo quốc phòng, an ninh năng lượng? Về vấn đề này, theo EVN, cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp cũng có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là về mặt bằng công trình và phục vụ thi công (kể cả giai đoạn đầu tư và vận hành lưới truyền tải điện).
Chia sẻ với nhà đầu tư về việc EVN chưa huy động hết công suất nguồn điện gió và mặt trời của Trungnam Group, ông Nguyễn Tài Anh cho biết: EVN luôn tạo điều kiện để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Nhưng việc huy động phát điện, trước tiên phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, phần công suất chưa được các cấp có thẩm quyền quy định về giá mua điện thì cũng chưa được phép huy động.
Bên cạnh đó, việc huy động công suất các loại hình phát điện trong hệ thống vẫn phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.
Trước đây, cũng đã có một số công trình lưới điện do các chủ đầu tư nguồn điện bên ngoài EVN xây dựng để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Sau khi hoàn thành xây dựng, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý vận hành các đường dây và trạm này, hoặc thuê đơn vị truyền tải điện (thuộc EVNNPT) vận hành. Các công trình đường dây và trạm 500 kV do Trungnam Group thực hiện đầu tư vừa qua cũng có tính chất tương tự. Tuy nhiên, đối với đề nghị xem xét bàn giao các công trình đường dây và trạm 500 kV do Trungnam Group đã đầu tư cho phía EVN cần được sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tại tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng: Nếu để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải thì cần có chính sách giá đủ hấp dẫn. Cạnh đó, cũng có đại biểu khuyến cáo: Lưới truyền tải điện liên quan trực tiếp đến an ninh - quốc phòng, an ninh năng lượng, đồng thời lại là lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, nên việc đưa ra các hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần phải nghiên cứu kỹ, thận trọng./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM