Phân vùng, quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu
Trước tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Phước tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Địa phương tiến hành rà soát, thống kê hiện trạng các khu dân cư, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, các khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra thiên tai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cứu trợ cho các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, hạn hán; ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa phòng, chống thiên tai, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Về tăng cường kết cấu hạ tầng, tỉnh đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống hồ đập; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, hạn chế việc san lấp ao, hồ, hệ thống thoát nước nội bộ trong đô thị và khu vực nông thôn; đầu tư thiết bị bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý thông tin về rủi ro, thiên tai; duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống 18 trạm đo mưa tự động đã lắp đặt. Đồng thời, đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc, đặc biệt là các hệ thống quan trắc thủy văn; đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động khí tượng thủy văn, hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
Các dạng thiên tai, tần suất và mức độ rủi ro thiên tai được phân chia thành 4 vùng nguy cơ thiên tai. Theo đó, khu vực thường xuyên hạn hán: thành phố Đồng Xoài (2 xã/phường), thị xã Bình Long (2 xã), huyện Lộc Ninh (5 xã), huyện Đồng Phú (8 xã), thị xã Chơn Thành (6 xã).
Khu vực thường xuyên bị ngập lụt do mưa lũ cục bộ: thành phố Đồng Xoài (3 phường), huyện Hớn Quản (1 xã), huyện Bù Đăng (1 thị trấn, 2 xã), huyện Bù Đốp (4 xã).
Khu vực có khả năng sạt lở đất và sạt lở bờ sông: huyện Bù Đăng (2 xã, 1 thị trấn), huyện Bù Gia Mập (2 xã), huyện Bù Đốp (1 xã),
Khu vực thường xảy ra lốc xoáy: huyện Bù Đăng, huyện Bù Đốp, huyện Bù Gia Mập, thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng, huyện Đồng Phú.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Thụy Luân cho biết, đối với hạn hán, thiếu nước, Bình Phước đầu tư nâng cấp, sửa chữa và nạo vét lòng hồ, vừa đảm bảo an toàn hồ, đập, vừa tăng dung tích hiệu dụng cho từng hồ. Số hồ chứa cần sửa chữa, nâng cấp đến năm 2030 là 16 công trình, với kinh phí khoảng 436 tỷ đồng và xây dựng mới là 60 công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt với tổng số vốn dự kiến khoảng 5.414 tỷ đồng.
Cùng đó, tỉnh hoàn thiện hệ thống kênh mương các cấp nhằm đưa nước đến từng mặt ruộng, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp nước dân sinh lấy nước từ hồ chứa. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung hệ thống kết nối hồ theo cụm để bổ trợ nhau trong cấp nước, tiến đến liên kết các cụm hồ và các hồ trong từng huyện, sau đó là hình thành hệ thống kết nối liên hồ ở từng khu vực mang tính liên huyện như: Cụm Đồng Xoài - Đồng Phú - Phú Riềng, cụm Bù Đốp - Lộc Ninh, cụm Lộc Ninh - Bình Long, cụm Hớn Quản - Chơn Thành... trong quá trình xây dựng hồ chứa mới.
Tỉnh tập trung sửa chữa, nâng cấp và đầu tư các hồ, đập thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng do mưa lớn, lũ, xả lũ từ các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng.
Về sạt lở đất và sạt lở bờ sông, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp từ điều tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống sạt lở, đặc biệt chú trọng phương án di dân và bảo vệ công trình.
Ngoài ra, Bình Phước có giải pháp cơ bản là bố trí hạ tầng hợp lý, đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế; nâng cao năng lực phòng, chống giông sét, tố lốc của người dân, đặc biệt ở các khu vực thường xảy ra giông sét và lốc xoáy./.
Nhật Bình