Thế giới Di động (MWG): Lợi nhuận giảm tốc, cổ phiếu tiếp đà giảm mạnh
Diễn biến cổ phiếu MWG thiếu tích cực trong bối cảnh thị trường chung không mấy thuận lợi. Cùng với đó là thông tin về kết quả kinh doanh tháng 8/2022...
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên ngày 27/9, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động giảm về mức 67.100 đồng/cổ phiếu, ghi nhận chuỗi giảm giá 3 phiên liên tiếp.
Sang đến đầu phiên sáng ngày 28/9, cổ phiếu MWG tiếp tục nới rộng đà giảm với mức giảm 1,79% (lúc 10h08) xuống còn 65.900 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu MWG thiếu tích cực trong bối cảnh thị trường chung không mấy thuận lợi. Cùng với đó là thông tin về kết quả kinh doanh tháng 8/2022.
8 tháng đầu năm, Thế giới Di động (TGDĐ) đạt doanh thu 92.283 tỷ và lợi nhuận sau thuế 3.176 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 6% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đề ra cả năm, công ty đã thực hiện 66% về doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận.
Sau khi trừ đi kết quả 7 tháng trước đó, TGDĐ ghi nhận doanh thu tháng 8 khoảng 10.413 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 33% so với cùng kỳ năm trước., nhưng lợi nhuận tiếp tục giảm tốc và về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Theo TGDĐ, mức tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ việc so với mức nền thấp của cùng kỳ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, chuỗi TGDĐ và Điện Máy Xanh đóng góp lần lượt 24.500 tỷ và 48.800 tỷ đồng, chiếm tổng cộng 79.5% doanh thu toàn tập đoàn và tăng 27% so với cùng kỳ.
Bách Hóa Xanh (BHX) đóng góp 17.600 tỷ đồng, tương đương 19% tổng doanh thu và giảm 15% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu tháng 8 giảm 20% so với mức cao điểm cùng kỳ. BHX đã kết thúc quá trình thay đổi layout mới và đóng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Nhờ đó, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng BHX đã tăng lên 1,36 tỷ đồng trong tháng 8 (chỉ tính các cửa hàng còn tiếp tục hoạt động sau đợt tái cơ cấu), tăng 5% so với tháng 7.
Được biết, thời gian tới, TGDĐ sẽ tiếp tục chuẩn hóa và tinh gọn quy trình vận hành chuỗi BHX, đồng thời triển khai các giải pháp (bao gồm ứng dụng công nghệ) để tối ưu chi phí, hướng đến mục tiêu hòa vốn vào cuối năm với doanh thu bình quân đạt 1,5 – 1,6 tỷ đồng/cửa hàng
Bên cạnh đó, doanh thu online 8 tháng đầu năm cũng tăng trưởng 71% so với cùng kỳ và chiếm 14% tổng doanh thu của TGDĐ. Trong đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu của kênh online đối với TGDĐ/Điện Máy Xanh là 17% và BHX là 3%.
Hiện tại, TGDĐ đang vận hành 1.086 cửa hàng TGDĐ, 2.222 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.726 cửa hàng BHX, 509 nhà thuốc An Khang, 80 cửa hàng AVAKids và 12 cửa hàng AVASport.
Tham vọng doanh thu 1 tỷ USD cuối năm 2023
Mới đây, MWG vừa thông báo đã đạt mốc 50 cửa hàng TopZone - chuỗi bán lẻ chuyên dòng sản phẩm Apple. Đại diện MWG cũng tự tin cho biết: "Tại thị trường Việt Nam, TopZone là chuỗi uỷ quyền có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khi sở hữu 50 cửa hàng Mono-brand chỉ sau chưa đầy 8 tháng. Cột mốc 50 cửa hàng chỉ là khởi đầu cho hành trình mở rộng 200 cửa hàng vào cuối 2022, hướng đến doanh thu 1 tỷ USD cuối 2023 và tham vọng nâng cấp thị trường bán lẻ hệ sinh thái Apple tại Việt Nam ngang tầm Singapore, Thái Lan".
Bước vào thị trường Apple từ cuối năm 2021, MWG không giấu tham vọng thống lĩnh thị trường này dù là kẻ đi sau. Bởi, đây là thị trường giá trị lớn và quy mô ngày càng mở rộng khi Apple cũng xem Việt Nam như thị trường trọng điểm để đẩy mạnh, từ việc mở rộng hợp tác với đơn vị địa phương đến rút ngắn thời gian vận chuyển... "Đã là Apple Fan thì người ta phải đổi thôi", đại diện là ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nói.
Ghi nhận 2 năm trở lại đây, sản phẩm iPhone rất "hot" tại Việt Nam, và riêng năm 2021 thì tình hình xách tay iPhone giảm mạnh xuống mức rất thấp. Đây là cơ hội để các nhà bán hàng chính ngạch và MWG gia tăng số lượng. Việc tăng thị phần tích cực của Apple đã được hỗ trợ bởi (i) nỗ lực giành thị phần tại Việt Nam khi từ tháng 7/2020 Apple đã ký kết hợp tác với DGW, PET, FPT Synnex và Viettel để phân phối các sản phẩm được ủy quyền của mình tại Việt Nam; (ii) rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm mới giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thu hẹp khoảng cách về giá giữa các sản phẩm chính hãng với xách tay.
Ban lãnh đạo MWG cũng cho biết thêm, với chính sách kiểm soát thị trường mới của Apple, doanh số hàng Apple chính hãng tăng lên mạnh mẽ khi các tín đồ tìm đến các cửa hàng ủy quyền của Apple. Mặt khác, trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường ghi nhận lượng hàng xách tay tại Việt Nam ngày càng giảm mạnh, chỉ còn mức 20 - 25% so với những năm 2020 trở về trước.
Ước tính, tổng doanh thu của các sản phẩm Apple tại Việt Nam vào cuối 2023 sẽ đạt từ 2,2 - 2,5 tỷ USD. Trong đó, cùng TopZone (MWG) dự kiến mang về 1 tỷ USD. Đây là cơ sở để Apple công nhận thị trường Việt Nam là thị trường cấp 1, ngang tầm với Singapore, Thái Lan. Doanh thu khủng từ thị trường Việt Nam sẽ mở ra một tương lai mới cho iFan: khi Mỹ, Singapore hay Thái Lan có hàng, Việt Nam cũng có hàng
Nguyên Nam