"Siêu cảng" Gemalink mang về bao nhiêu lợi nhuận cho Gemadept
Dự án cảng Cảng Gemalink được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới.
Dự án cảng Cảng Gemalink được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT. CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link là chủ đầu tư của dự án. Tổng vốn đầu tư của dự án tương đương 520 triệu USD, tương đương khoảng 12.200 tỷ đồng, bao gồm giai đoạn 1 là 330 triệu USD; giai đoạn 2 khoảng 190 triệu USD.
Ban đầu, cơ cấu cổ đông của Công ty Cảng Cái Mép Gemedept - Terminal Link gồm Gemadept ( HoSE: GMD ), một trong những doanh nghiệp khai thác cảng, vận tải biển, logictics của Việt Nam, nắm giữ 75% và CMA Terminals, thuộc Tập đoàn Hàng hải CMA-CGM - một trong bốn hãng tàu lớn nhất thế giới, nắm giữ 25% vốn góp.
Tuy nhiên, tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021, Gemadept chỉ còn ghi nhận đang sở hữu 50% cổ phần tại CTCP Cảng Cái Mép - Gemadept - Terminal Link, nhưng tỷ lệ lợi ích là 65%. Trong thời gian tới, Gemadept còn có kế hoạch đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng vào dự án này để nhanh chóng hoàn thành giai đoạn 2. Để có thêm tiền đầu tư cho dự án, đầu tháng 6, doanh nghiệp cảng biển này đã thông qua chào bán 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 20.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện 3:1.
Khi mới khởi công dự án, Phó Tổng Giám đốc Gemadept Phạm Quốc Long cho biết ngay trong giai đoạn 1, cảng Gemalink sẽ có cầu bến chính dài 800 m cho tàu mẹ có trọng tải lên đến 20.600 TEU (tương đương 200.000 DWT), bến tàu feeder dài 260 m, cùng diện tích kho bãi và tổ hợp văn phòng cảng rộng 33 ha. Cầu tàu được nối với bờ bằng ba cầu dẫn. Năng lực xếp dỡ của giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 3 triệu TEU/năm sau khi hoàn thành.
Hình ảnh cảng Gemalink.
Ngày 9/1/2021, "siêu cảng" này đã chính thức đi vào hoạt động và tổ chức lễ đón chuyến tàu thương mại đầu tiên của hãng tàu CMA-CGM. Đến tháng 5/2021, cảng chính thức khai trương và khai thác thương mại. Và tính đến cuối năm 2021, công suất của cảng khai thác được đã đạt mức 80%. Đặc biệt, đến cuối tháng 3 năm nay, Gemalink đã ghi dấu mốc son 1 triệu TEU thông qua cảng chỉ sau một năm vận hành, trở thành cảng đầu tiên trong lịch sử ngành khai thác cảng Việt Nam thiết lập kỷ lục mới này.
Theo tính toán của Gemadept, tại khu vực Cái Mép, Thị Vải, Gemalink sẽ chiếm 15% thị phần vào năm năm 2022. Sau khi tối đa công suất 1,5 triệu TEU, thị phần tăng lên 20%. Thời gian tới, khi hoàn thành cả 2 giai đoạn nâng công suất lên 3 triệu TEU thì thị phần tăng lên 30-35%. Với những lợi thế mà siêu cảng này có được, Gemadept đã đặt mục tiêu trong năm 2021, doanh thu tối thiểu có thể đạt của Gemalink là 41 triệu USD - khoảng 963,5 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động là tối thiểu 1 triệu USD (23,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo số liệu mà Người Đồng Hành, khi mới chỉ bắt đầu đưa vào khai thác từ năm 2021, Gemalink chưa thể có lãi mà vẫn đang chịu lỗ do khoản đầu tư ban đầu lớn và chi phí lãi vay.
Bắt đầu khởi công xây dựng từ 2019, do chưa ghi nhận doanh thu trong khi vẫn phải thanh toán các chi phí hoạt động khiến Gemalink lỗ lần lượt 29,1 tỷ đồng và 50,4 tỷ đồng.
Trong năm đầu đi vào hoạt động chính thức, Gemalink đã ghi nhận doanh thu 756,4 tỷ đồng, sau khi từ giá vốn hàng bán đơn vị này vẫn lãi gộp 355,3 tỷ đồng, biên lãi gộp ở mức 47%. Tuy nhiên, do phải trả khoản chi phí lãi vay lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 306,6 tỷ đồng, cùng phí quản lý doanh nghiệp gấp đôi năm trước lên 99,2 tỷ đồng, Gemalink lỗ sau thuế 56,4 tỷ đồng.
Vào thời điểm cuối năm 2021, khoản nợ vay tài chính ở mức 4.616 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu là 2.271 tỷ đồng. Nợ vay tăng gần 40% so với năm 2020 và gấp gần 5 lần so với năm 2019. Lỗ lũy kế là 329,5 tỷ đồng do công ty được thành lập từ năm 2008 để chuẩn bị triển khai dự án, vốn góp chủ sở hữu là 2.601 tỷ đồng.
Dư địa phát triển của Gemalink
Mặc dù lỗ trong năm đầu đi vào hoạt động, tuy nhiên cảng Gemalink đã có bắt đầu có lãi trong nửa đầu năm 2021. Tại BCTC soát xét bán niên 2022 của Gemadept, đơn vị này đã ghi nhận khoản lãi 69,3 tỷ đồng từ số tiền đầu tư 1.479 tỷ đồng vào Gemalink. Do tỷ lệ lợi ích của Gemadept ở Gemalink chỉ là 65% nên khoản lãi mà "siêu cảng" này trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 106,6 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên của Gemadept.
Ở thời điểm hiện tại, Gemalink đang có nhiều điều kiện để phát triển hơn nữa. Đầu tiên là về mặt vị trí. Gemalink là cảng ở vùng nước sâu, cùng với đó là cảng duy nhất tại Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder nên có thể kết nối với các nước trong khu vực, như: Philippines, Thái Lan, Campuchia và các cảng trong nước như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP HCM, và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thu hút nhiều tàu bè lớn khi qua vùng biển Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Gemalink có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, tổng số tàu thuyền qua Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải năm 2021 đạt khoảng 11.300 lượt, tăng 2% so với. Tổng sản lượng hàng hóa qua cụm cảng này gần 105 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Đặc biệt, tổng sản lượng hàng container là khoảng 8,35 triệu Teu, tăng 11% so với năm 2020.
Những thông số trên đang giúp cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang chiếm khoảng 16% số lượng hàng hóa thông quan tại các biển tại Việt Nam và 40% trong các cảng biển phía nam. Nếu như khu cảng này vào năm 2012 chỉ vài chục nghìn container hàng xuất nhập khẩu thì đầu năm 2021 đã tăng gấp 10 lần. Thực tế ghi nhận hàng hóa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có sự dịch chuyển lớn từ các cảng ở TP HCM về khu cảng Cái Mép - Thị Vải. Ngoài ra, theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, khu cảng Cái Mép – Thị Vải được xếp hạng đặc biệt, được tập trung phát triển để trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Với thị phần năm 2022 là 15% và khi hoàn thành cả dự án thị phần có thể tăng lên 30-35%, cảng Gemalink có thể hưởng được nhiều từ sức hút mà cụm cảng Cái Mép - Thị Vải mang lại.
Cuối cùng là thiết kế cảng, với đặc tính là cảng nước sâu, Gemalink có thể đón các tàu có trọng tải 200.000 DWT. Trong tháng 8 vừa qua, "siêu cảng" này đã đón tàu Tàu Merete Maersk có trọng tải lớn nhất thế giới đạt 214.121 DWT. Với việc đón được những tàu lớn cập bến, cảng này có thể đón được một lượng hàng hóa lớn sẽ đổ bộ trong tương lai. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Gemdept đã đầu tư bổ sung thêm 5 cẩu eFCC (Fixed Cargo Crane), 6 cần cẩu bánh lốp eRTG (Rubber-Tired Gantry) và 2 cẩu bờ STS (Ship-to-shore) giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng nước sâu này.
Gemalink là động lực thúc đẩy cho Gemadept
Theo chia sẻ của lãnh đạo Gemadept tại báo cáo thường niên năm 2021, khi Gemalink đi vào hoạt động 1 năm đã góp phần nâng cao gấp đôi sản lượng của khối cảng Gemadept tại miền Nam và đóng góp đáng kể vào thị phần khu vực cụm cảng Cái Mép. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với cảng Nam Đình Vũ, Gemalink sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng cho Gemadept.
Trong năm 2021, sau khi đưa "siêu cảng" của mình vào hoạt động chính thức, doanh thu từ khai thác cảng của Gemadept đạt 2.762 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2020 và 18,2% so với năm 2019. Trong nửa đầu năm 2022, sau khi đi vào hoạt động hết công suất, doanh thu khai thác cảng doanh nghiệp là 1.535 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 52,2% so với nửa đầu năm 2020.
Không chỉ làm tăng doanh thu, việc Gemalink có lãi cũng giúp lợi nhuận Gemadpet tăng theo. Trong nửa đầu năm, Gemadept ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng gần 95% lên 561,6 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý II, lãi ròng của đơn vị này đạt 288 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2018. Tuy nhiên, nếu chỉ tính lợi nhuận từ hoạt động chính, đây là mức kỷ lục của Gemadept, do mức lợi nhuận đột biến 1.268 tỷ đồng trong quý I/2018 hay 460 tỷ đồng trong quý II/2014 đến từ hoạt động tài chính nhờ việc thoái vốn ở các công ty con.
Đơn vị: tỷ đồng.