Sau Evergrande, Trung Quốc chật vật giúp 1 nhà phát triển BĐS "gánh hạn", nếu thất bại toàn thị trường sẽ đối mặt với mối nguy lớn
Sau khi để hàng chục nhà phát triển tư nhân vỡ nợ kể từ khi Evergrande sụp đổ vào năm 2021, chính quyền Bắc Kinh hiện đang chịu áp lực lớn hơn trong việc khôi phục niềm tin.
Một nhóm giám đốc điều hành tại một trong những đơn vị vận hành giao thông công cộng lớn nhất Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ mới: hỗ trợ nhà phát triển dễ bị tổn thương Vanke trong cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Động thái này cho thấy vai trò tích cực hơn của chính quyền địa phương đối với số phận công ty từng được coi là biểu tượng cho sự phát triển bất động sản Trung Quốc.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách không muốn Vanke sụp đổ vì điều đó sẽ thực sự gây tổn hại đến tâm lý. Nếu Vanke phá sản, thị trường nhà ở sẽ không ngăn được sự suy giảm”.
Sau khi để hàng chục nhà phát triển tư nhân vỡ nợ kể từ khi Evergrande sụp đổ vào năm 2021, chính quyền Bắc Kinh hiện đang chịu áp lực lớn hơn trong việc khôi phục niềm tin vào một lĩnh vực vốn đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ. Vanke có trụ sở tại Thâm Quyến, một trong những công ty tư nhân đầu tiên thắng thầu đất vào cuối những năm 1980, ban đầu được cho là không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tiền mặt đen tối này.
Doanh số bán nhà giảm mạnh cho thấy sự suy thoái vẫn tiếp diễn. Bất kỳ sự vỡ nợ nào của một công ty có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương cũng sẽ trở thành đòn giáng vào niềm tin kinh tế trong và ngoài Trung Quốc. Theo nhà cung cấp dữ liệu Debtwire, 41 nhà phát triển Trung Quốc vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc hoặc thanh lý tích cực tại Hồng Kông, nơi nhiều công ty trong số họ niêm yết trong thời kỳ bùng nổ nhà ở.
Việc cải tổ quản lý dường như đã giúp xoa dịu những lo ngại hiện tại. Kể từ giữa tháng 1, trái phiếu quốc tế của Vanke đã phục hồi từ mức khó khăn và hiện đang giao dịch gần với giá trị mệnh giá. Công ty phát triển này cũng đang cố gắng bán tài sản, bao gồm cả đất đai, để tạo ra tiền mặt.
Vanke nói với tờ Financial Times rằng họ sẽ làm hết sức mình để tiếp tục huy động vốn, song không đề cập đến mối quan hệ với Shenzhen Metro hay chính quyền địa phương. Nếu không có bất kỳ khoản cứu trợ trực tiếp nào, Vanke sẽ phải chịu sự chi phối của một thị trường đầy thách thức. Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính giá trị doanh số bán nhà mới sẽ giảm 15% trong năm nay.
Doanh số bán hàng giảm sút có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán trái phiếu của Vanke, báo hiệu sự khó khăn trên thị trường quốc tế nhiều tháng sau khi Bắc Kinh công bố các biện pháp nhằm thúc đẩy niềm tin, bao gồm hỗ trợ mua lại cổ phiếu và cắt giảm lãi suất thế chấp. Hai người tham gia vào quá trình tái cấu trúc ở Hồng Kông đã vẽ nên một bức tranh bi quan về thị trường.
“Tôi nghĩ rằng thực tế là các công ty này…cần không gian thở”, một trong những người đó nói. “Mô hình kinh doanh đã bị phá vỡ”.
Trong một lần hạ xếp hạng tín dụng của Vanke trong tháng này, cơ quan xếp hạng Moody's cho biết tình hình thị trường biến động đã dẫn đến biên lợi nhuận thấp hơn trên doanh số bán bất động sản. Doanh số bán hàng của Vanke vào năm 2024 chỉ còn 246 tỷ nhân dân tệ.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều hoài nghi. Moody’s cho biết, những cuộc bổ nhiệm mới “không thể giảm thiểu hoàn toàn rủi ro tái cấp vốn gia tăng của China Vanke và hiệu suất tài chính xấu đi trong 6 đến 12 tháng tới”.
Đối với Hu, người mua nhà nhìn chung vẫn thấy suy thoái đang tiếp diễn. “Để nhà ở ổn định hơn nữa, chính phủ phải can thiệp và tạo ra nhu cầu nhà ở”, ông nói.
Theo Leonard Kwan, nhà quản lý danh mục trái phiếu tại T. Rowe Price, sẽ cần thời gian để thị trường khôi phục niềm tin. Eric Fine, nhà quản lý danh mục đầu tư cho các thị trường mới nổi tại công ty quản lý VanEck của Mỹ, cho biết các nhà đầu tư đang tìm cách kiếm lợi nhuận ở những nơi có thể cam kết lâu dài.
China Vanke từng là hình mẫu lý tưởng cho sự phát triển kinh tế đại lục kể từ khi chính sách cải cách và mở cửa được đưa ra vào cuối những năm 1970. Cái tên từng đi đầu trong thị trường chứng khoán và bất động sản này hồi năm ngoái bị khoác mác “thiên thần sa ngã” sau khi giới chuyên gia hạ xếp hạng tín dụng xuống mức không thể đầu tư. Rắc rối xoay quanh Vanke thể hiện rõ thông qua doanh số bán bất động sản sụt giảm. Dòng tiền tài trợ cho các dự án cũng đứt quãng.
Ngay cả Tập đoàn xếp hạng tín dụng Chengxin, vốn thường hào phóng với các công ty Trung Quốc, cũng phải để mắt tới tình hình hoạt động suy yếu của Vanke. Sự bi quan tồn tại bất chấp một loạt gói chính sách được triển khai.
Soo Chong Lim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng châu Á tại JP Morgan, cho biết nguy cơ trở thành “thiên thần sa ngã” vẫn tập trung ở lĩnh vực bất động sản.
“Để thị trường tín dụng phản hồi, thị trường nhà đất phải ổn định”, Lim nói.
Trong khi đó, Vanke vẫn đang nỗ lực vượt qua cơn bão. Chủ tịch Yu Liang thừa nhận công ty đang ở thời điểm nhạy cảm song không thể ngồi yên. Bản thân Vanke đã nỗ lực hạ nhiệt khoản nợ 100 tỷ nhân dân tệ trong 2 năm thông qua việc thanh lý tài sản và cắt giảm nhiều khoản chi khác..
Một chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ giữ Vanke hoạt động để chứng tỏ rằng các công ty sở hữu hỗn hợp - ra đời nhờ nỗ lực cải cách của đất nước - vẫn có thể hoạt động. Tuy nhiên, công ty này cũng có thể cần phải được tái cơ cấu tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Zhu Jiusheng nói: “Có áp lực, nhưng chúng tôi tin rằng mình có thể chịu đựng được”.
Theo: Financial Times, Nikkei Asia