Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MASVN: Du lịch phục hồi sẽ giúp Dịch vụ Hàng không Taseco tăng trưởng mạnh trở lại giai đoạn 2023-2034

Theo CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN), kết quả kinh doanh của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn 2020-2021 do dịch Covid-19. Tuy nhiên, MASVN đánh giá, khi ngành du lịch phục hồi sẽ giúp AST tăng trưởng trở lại, dự phóng năm 2023 và 2024 lợi nhuận ròng của AST sẽ tăng mạnh, đồng pha với hồi phục từ thị trường hàng không và du lịch quốc tế, lần lượt đạt 178 tỷ và 264 tỷ, vượt qua mức đỉnh lợi nhuận ròng (LNR) trước dịch năm 2019 là 212 tỷ.

Kết quả doanh thu 6T2022 của AST đạt 202 tỷ (+85,5% CK) và ghi nhận tín hiệu vô cùng tích cực khi lợi nhuận ròng (LNR) chỉ còn lỗ 7 tỷ đồng (so với lỗ 66,9 tỷ cùng kỳ). Trong Q2/2022, khi các hãng hàng không nội địa được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc các chính sách phòng chống Covid-19 được dỡ bỏ, AST đã lần đầu ghi nhận LNR dương 16,6 tỷ (so với lỗ 35 tỷ cùng kỳ). Tuy nhiên mảng bán lẻ cho khách quốc tế, vốn mang lại biên lợi nhuận cao hơn từ 10%-15% so với mảng nội địa, vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8T2022 chỉ đạt 1,4 triệu lượt, giảm 87% so với mức trước đại dịch 2019.

Ngành du lịch Việt Nam 8T2022 và triển vọng 2022 – 2023

Khách nội địa trở lại vượt kỳ vọng cho cả năm 2022

Tính chung 8 tháng, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022 của Tổng Cục Du lịch cho khách nội địa năm 2022. MASVN cho rằng nhờ việc nhiều quốc gia vẫn chưa mở cửa, chi phí du lịch trong nước ngày càng hợp lý cũng như tâm lý đi chơi sau hai năm bị cách ly đã khiến lượng khách du lịch nội địa bùng nổ trong năm 2022. Hiện tại, lượng khách du lịch nội địa trong 8T2022 tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch và gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt).

Cho năm 2023 - 2024, MASVN dự phóng khách du lịch nội địa vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, lần lượt đạt 138,1 triệu lượt (+30% so với cùng kỳ) và 158,8 triệu lượt (+15% so với cùng kỳ) với hai động lực chính là: (1) thu nhập người dân tiếp tục gia tăng, (2) hệ thống cao tốc giúp kết nối dễ dàng hơn các điểm du lịch như Phan Thiết, Móng Cái .... đến các thành phố chính.

Tổng thu của ngành Du lịch phục hồi chậm hơn do thiếu đòn bẩy từ khách quốc tế

Tổng thu từ khách du lịch trong 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356,6 nghìn tỷ đồng, đạt 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. MASVN ước tính tổng thu từ khách du lịch nội địa trong năm 2022 khoảng 522 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 27% so với mức trước dịch năm 2019. So với năm 2019, Việt Nam chỉ đón 85 triệu lượt khách du lịch nội địa nhưng doanh thu lên tới 720 nghìn tỷ đồng (+16% so với cùng kỳ).

Dự phóng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 2,5 triệu người, chỉ đạt 50% kỳ vọng của Tổng Cục du lịch

Trong 8T2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,4 triệu lượt, giảm 87% so với thời điểm trước dịch 2019. MASVN đánh giá bốn yếu tố chính khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn khiêm tốn dù đã mở cửa các đường bay từ 15/03/2022, bao gồm: (1) Thời hạn miễn thị thực chỉ có 15 ngày, ít hơn so với nhu cầu của các tour nước ngoài, (2) Lạm phát cao trên toàn thế giới (3) Nhiều nước vẫn chưa mở cửa du lịch như Trung Quốc hay Nhật Bản và (4) Chưa phải mùa cao điểm du lịch của các nước Bắc bán cầu. MASVN cho rằng sự tác động tiêu cực này chỉ thực sự được dỡ bỏ từ 2023 khi hầu hết các nước coi Covid-19 như bệnh đặc hữu cũng như tác động của lạm phát giảm bớt. Do đó MASVN dự phóng lượng khách quốc tế đến các cảng hàng không của Việt Nam năm 2023F và 2024F lần lượt đạt 10,5 triệu lượt (+320% so với cùng kỳ) và 33,6 triệu lượt (+220% so với cùng kỳ).

Thị trường châu Á vẫn chưa thực sự phục hồi hoàn toàn

Trước dịch Covid-19, năm 2019 thị trường châu Á chiếm đến 79,9% tổng lượng khách du lịch quốc tế, nhiều nhất là bốn nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Tuy nhiên Trung Quốc và Nhật Bản (chiếm 37% lượng khách quốc tế 2019) vẫn duy trì các chính sách xuất nhập cảnh gắt gao để phòng dịch Covid trực tiếp khiến thu nhập của ngành bán lẻ sân bay tại các nhà ga quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng.

Dự phóng KQKD của AST năm 2022

Mảng F&B và bán hàng lưu niệm (BHLN) hồi phục đầu tiên nhờ lượng khách nội địa quay lại mạnh mẽ

Hiện nay AST đang vận hành chuỗi BHLN và F&B mang tên Lucky. Chuỗi Lucky hiện nay đã xuất hiện hầu hết ở các sân bay và dự kiến tiếp tục mở rộng ra thêm hai sân bay mới là sân bay Phan Thiết và Tân Sơn Nhất (nhà ga T3). Với vị trí đắc địa tại các nhà chờ thuộc nhà ga nội địa lẫn quốc tế, mảng F&B và BHLN phục hồi trước tiên trong hệ sinh thái của AST.

Tuy nhiên, tổng số cửa hàng F&B và BHLN của AST là 81 cửa hàng trong năm 2021 tại 7 sân bay, do đó MASVN đánh giá sẽ rất khó mở rộng thêm số lượng cửa hàng của AST ở các sân bay hiện tại. Cho đến năm 2024, khi sân bay Phan Thiết và T3 của Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, MASVN dự phóng số lượng cửa hàng của hai mảng này sẽ đạt 92 cửa hàng. Doanh thu dự phóng cho mảng BHLN năm 2022 / 2023 / 2024 lần lượt đạt 205 tỷ (+832,4% so với cùng kỳ) / 348 tỷ (+70% so với cùng kỳ) / 422,5 tỷ (+21% so với cùng kỳ). Với mảng F&B, MASVN dự phóng doanh thu cho các năm 2022 / 2023 / 2024 lần lượt đạt 108 tỷ (+190% so với cùng kỳ) / 209 tỷ (+93% so với cùng kỳ) / 248,7 tỷ (+19% so với cùng kỳ).

MASVN: Du lịch phục hồi sẽ giúp Dịch vụ Hàng không Taseco tăng trưởng mạnh trở lại giai đoạn 2023-2034

Nguồn: MASVN

Mảng hàng miễn thuế chờ đợi sự phục hồi từ du lịch quốc tế

Hiện nay AST đang sở hữu 51% liên doanh bán hàng miễn thuế với JDV Nhật Bản, chủ yếu phục vụ khách quốc tế. MASVN cho rằng mảng hàng miễn thuế sẽ là động lực tăng trưởng chính cho AST trong tương lai dài hạn khi đây là thị trường khá ít đối thủ cạnh tranh và có rào cản gia nhập ngành lớn từ khả năng thuê mặt bằng trong sân bay hạn chế. Thông thường các hợp đồng thuê mặt bằng sân bay sẽ có điều khoản gia hạn, do đó các đối thủ cạnh tranh như Lotte, King Power hay Shilla chỉ có thể mở rộng cạnh tranh với AST ở các sân bay mới như Phan Thiết, Phú Quốc mở rộng hay nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Dựa trên dự phóng về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, MASVN dự phóng doanh thu mảng bán hàng miễn thuế năm 2022 / 2023 / 2024 sẽ lần lượt đạt 126 tỷ (+132% so với cùng kỳ) / 298 tỷ (+136% so với cùng kỳ) / 387 tỷ (+30% so với cùng kỳ). Số lượng cửa hàng miễn thuế MASVN kỳ vọng sẽ tăng lên 13 cửa hàng vào năm 2024 so với 11 cửa hàng ở năm 2021.

Đà Nẵng dư công suất phòng khiến mảng khách sạn sẽ khó tăng trưởng

Mảng kinh doanh của AST còn bao gồm khách sạn The A la Carte tiêu chuẩn 4*, bao gồm 203 căn hộ và phòng nghỉ. Vị trí của khách sạn nằm ở đường Võ Nguyên Giáp, đối diện bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng và là vị trí vàng của ngành khách sạn tại Đà Nẵng.

MASVN: Du lịch phục hồi sẽ giúp Dịch vụ Hàng không Taseco tăng trưởng mạnh trở lại giai đoạn 2023-2034

Nguồn: MASVN

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng chính là địa phương hiện đang gánh chịu hậu quả từ việc có quá nhiều nguồn cung khách sạn và Condotel. Đà Nẵng hiện có khoảng 50.000 phòng và tới năm 2024 sẽ lên đến 71.000 phòng theo ước tính của CBRE. Trong đó, tới năm 2024, Đà Nẵng ước tính có tới 99 dự án khách sạn từ 4* - 5* và là địa phương có sự cạnh tranh gay gắt nhất ở phân khúc khách sạn cao cấp.

Do đó hiệu suất lưu trú ở Đà Nẵng tính đến hết 6T2022 chỉ đạt mức 26,3% với mức giá trung bình là USD70/đêm (hiệu suất lưu trú và giá phòng trung bình 2019 lần lượt là 63% và USD103/đêm). MASVN cho rằng khách sạn A la Carte cũng không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực của việc dư nguồn cung phòng. MASVN dự phóng tỷ lệ lấp đầy của khách sạn A la Carte lần lượt đạt 50% / 60% / 65% cho giai đoạn 2022 / 2023 / 2024. Doanh thu dự phóng tương ứng trong giai đoạn 2022 / 2023 / 2024 là 88,7 tỷ (+1.310% so với cùng kỳ) / 123,8 tỷ (+40% so với cùng kỳ) / 148,4 tỷ (20% so với cùng kỳ), nhưng vẫn sẽ khó đạt được mức doanh thu 186 tỷ đồng năm 2018.

Dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng hợp nhất 2024 sẽ vượt mức trước Covid 2019

Trong giai đoạn 2016 – 2019, AST liên tục duy trì biên lợi nhuận gộp ổn định (BLNG) ở mức từ 52% - 54%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu giảm nhưng chi phí tăng cao, biên LNG năm 2020 và 2021 đã giảm mạnh về mức là 41,7% và 27,9%.

Tuy nhiên, MASVN cho rằng từ năm 2022, khi ngành du lịch phục hồi cũng như các yêu cầu về phòng dịch dần gỡ bỏ sẽ giúp AST vừa tăng trưởng doanh thu lẫn gia tăng biên LNG trở lại. MASVN dự phóng doanh thu của AST năm 2022 / 2023 / 2024 lần lượt đạt 686 tỷ (+345% so với cùng kỳ) / 1.231 tỷ (+79% so với cùng kỳ) / 1.532 tỷ (+24,4% so với cùng kỳ), tương ứng với biên LNG lần lượt đạt 48% / 51% / 51%. Dự phóng cả năm 2022 LNST của AST sẽ đạt 55 tỷ đồng (so với -128 tỷ năm 2021). MASVN dự phóng năm 2023 và 2024 LNR của AST sẽ tăng mạnh, đồng pha với hồi phục từ thị trường hàng không và du lịch quốc tế, lần lượt đạt 178 tỷ và 264 tỷ, vượt qua mức đỉnh LNR trước dịch năm 2019 là 212 tỷ. Qua đó, MASVN dự phóng LNR sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông thiểu số của AST trong năm 2022 / 2023 / 2024 sẽ lần lượt đạt 48 tỷ / 156 tỷ (+225% so với cùng kỳ) / 185 tỷ (+18% so với cùng kỳ).

MASVN đánh giá từ năm 2022, khi ngành du lịch phục hồi cũng như các yêu cầu về phòng dịch dần gỡ bỏ sẽ giúp AST vừa tăng trưởng doanh thu lẫn gia tăng biên LNG trở lại. MASVN dự phóng doanh thu của AST năm 2022 / 2023 / 2024 lần lượt đạt 686 tỷ (+345% so với cùng kỳ) / 1.231 tỷ (+79% so với cùng kỳ) / 1.532 tỷ (+24,4% so với cùng kỳ), tương ứng với biên LNG lần lượt đạt 48% / 51% / 51%. Qua đó, MASVN dự phóng LNR sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông thiểu số của AST trong năm 2022 / 2023 / 2024 sẽ lần lượt đạt 48 tỷ / 156 tỷ (+225% so với cùng kỳ) / 185 tỷ (+18% so với cùng kỳ).

MASVN khuyến nghị giá mục tiêu của AST ở mức 69.500 đồng (upside +22.5%) dựa trên phương pháp FCFE. PE forward FY23 của AST là 17.5x, thấp hơn 10% định giá so với trước dịch Covid-19. Ngành bán lẻ hàng không là ngành vốn có rào cản gia nhập lớn và nền tảng tài chính vững mạnh.

Thế Hưng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...