Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư cho an toàn lao động mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp

Được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc sẽ giúp người lao động được bảo đảm an toàn, yên tâm làm việc. Người sử dụng lao động cần coi chi phí cho an toàn lao động nói chung và phương tiện bảo vệ cá nhân nói riêng là một khoản đầu tư cho sản xuất, mang lại lợi ích lâu dài cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.  

Đầu tư cho an toàn lao động mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp

Người lao động cần được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ an toàn. Ảnh: Bảo Hân

Giải pháp đảm bảo an toàn cho công nhân trong doanh nghiệp

Chị Trương Thị C (công nhân một công ty điện tử trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong quá trình làm việc, chị nhận thấy môi trường làm việc tại công ty về cơ bản là an toàn. “Tuy nhiên, không khí tại nhà xưởng hơi bụi khi sản xuất mặt hàng loa. Để phòng tránh, tôi thường xuyên đeo khẩu trang. Hơn nữa, nếu không đeo khẩu trang, quản lí sẽ chấn chỉnh ngay” - chị C nói.

Nữ công nhân này được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ trong quá trình làm việc như bao tay, áo, mũ, nút tai chống ồn… Công nhân được bố trí nghỉ ngơi đầy đủ. Làm ban đêm, mỗi 2 tiếng được giải lao một lần, mỗi lần 20-25 phút. Nếu làm ca ngày thì được nghỉ 2 lần, mỗi lần 15 phút, ngoài ra còn được nghỉ thêm một lần khi ăn cơm trưa.

“Trước khi vào làm việc chính thức, mình cũng như nhiều lao động khác được huấn luyện về an toàn lao động, nên cơ bản nắm bắt được các kiến thức, kĩ năng, đảm bảo an toàn cho mình trong quá trình làm việc” - chị C nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty điện tử thuộc huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, để đảm bảo an toàn lao động cho người lao động thì vốn đầu tư cho phương tiện bảo vệ cá nhân người lao động là quan trọng nhất.

“Trong quá trình sản xuất, công nhân cần giày, phương tiện bịt tai nghe, khẩu trang… để đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhu cầu trang bị cho công nhân là rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là vốn đầu tư để mua những trang thiết bị an toàn lao động này. Hiện nay, tại công ty, các trang thiết bị bảo hộ mới đạt 80-85% trong tổng số 3.000 công nhân lao động của công ty” - chủ tịch công đoàn cơ sở này nói.

Chi cho an toàn lao động cũng là đầu tư cho sản xuất 

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Khánh (Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Điều 10 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định rất rõ về quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác này.

“Ngoài ra, trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, các công đoàn cơ sở cần phối hợp doanh nghiệp để phát động, hưởng ứng hoạt động này; tổ chức các hoạt động như phối hợp kiểm tra, huấn luyện, khám sức khỏe, tổ chức hội thi tìm hiểu về an toàn lao động; treo pano, áp phích để tăng cường nhận thức của công nhân lao động” - ông Khánh cho hay.

Đối với phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động, ông Khánh cho biết, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cung cấp, trang bị cho người lao động. Những trang thiết bị này phải phù hợp với công việc mà người lao động làm. Chi phí này người sử dụng lao động phải chi, nghiêm cấm việc để cho doanh nghiệp, người lao động tự mua, tự trang bị.

Theo ông Khánh, phải coi công tác an toàn vệ sinh lao động là một trong những đầu tư cho sản xuất, con người là lực lượng sản xuất của doanh nghiệp. Khi người lao động an toàn, khỏe mạnh thì làm việc sẽ hiệu quả, năng suất; khi xảy ra mất an toàn lao động, tai nạn lao động thì doanh nghiệp có thể phải nghỉ sản xuất, tâm lý của người lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phải bồi thường cho người lao động.

Vì vậy, ông Khánh cho rằng, công đoàn cần tăng cường tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức rằng chi phí cho an toàn lao động là khoản đầu tư, chứ không phải gánh nặng, từ đó, các doanh nghiệp quan tâm hơn, dành nhiều nguồn lực hơn đối với công tác quan trọng này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết