Lộ diện loạt dự án ‘khủng’ sắp đầu tư tại Khánh Hòa
UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao giấy chứng nhận đầu tư, kí biên bản ghi nhớ cho loạt dự án “khủng” sắp đầu tư tại tỉnh này tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Khánh Hòa năm 2023.
Lộ diện loạt dự án “khủng”
Ngày 2/4, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Khánh Hoà năm 2023. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đăng ký 85.293 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại TP. Cam ranh, có quy mô sử dụng đất khoảng 1.254,14 ha và quy mô dân số khoảng 230.779 người. Dự án có số lượng nhà ở gồm nhà ở liền kề khoảng 8.474 căn; nhà ở biệt thự khoảng 10.732 căn và nhà ở xã hội khoảng 19.816 căn.
Cụ thể, có dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) có tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.756 tỷ đồng do Công ty CP Muối Cam Ranh làm chủ đầu tư. Dự án nhà ở xã hội Hưng Phú II có quy mô hơn 1.000 căn hộ với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế - Đầu tư - Xây dựng Nguyên Hạnh chủ đầu tư đầu tư. Dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư sẽ triển khai vào quý II năm nay, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng xã hội tại TP. Nha Trang.
Ngoài ra, còn có dự án khu du lịch sinh thái Thanh Vân, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.175 tỷ đồng do Công ty CP Du lịch Sinh thái Thanh Vân làm chủ đầu tư. Dự án khu du lịch Bãi Cát Thấm thuộc khu vực Khu kinh tế Vân Phong có tổng vốn đầu tư đăng ký là 25.000 tỷ đồng và do Công ty Cổ phần T&M Vân Phong làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hoà đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án sản xuất tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (tổng vốn hơn 400 tỷ đồng); dự án nhà máy chế biến thủy sản Tâm Như của Công ty TNHH Thủy sản Tâm Như 22 tỷ đồng; dự án nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Hồng Phát của Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Hồng Phát 41 tỷ đồng; dự án xây dựng mới phân xưởng cơ điện - thí nghiệm và dự án xây dựng mới tổng kho công ty của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa 27 tỷ đồng; Dự án nhà máy viên gỗ nén ISP - Khánh Hòa của Công ty CP Viên nén Đông Dương 206 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa còn ký biên bản ghi nhớ 16 dự án với tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng. Cụ thể, về lĩnh vực công nghệ thông tin Công ty CP FPT trao ghi nhớ nghiên cứu xây dựng dự án khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng.
Về lĩnh vực văn hóa - giáo dục, ký hai biên bản ghi nhớ bản gồm nghiên cứu đầu tư dự án trường liên cấp Vinschool của Công ty CP Vinschool (vốn đăng ký 510 tỷ đồng) và dự án cơ sở đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế TP.HCM tại TP. Nha Trang (vốn đăng ký 294 tỷ đồng). Đối với lĩnh vực phát triển đô thị - du lịch sinh thái có 3 biên bản ghi nhớ gồm: Dự án xây dựng nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn công trình xanh (tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng) của Tập đoàn Capital House; dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn - Khải Lương (vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng) của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà và dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã - Tu Bông (vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng) của Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc.
Về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, có 4 biên bản ghi nhớ gồm: dự án bến cảng khách KN Cam Ranh (bến du thuyền quốc tế Cam Ranh, vốn đầu tư 2.190 tỷ đồng) của Công ty TNHH KN Cam Ranh; nghiên cứu đầu tư xây dựng và vận hành cảng hàng không Quốc tế Vân Phong (vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư Phát triển Vân Đồn.
Hai biên bản còn lại là nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long (vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng) của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long và nghiên cứu đầu tư cảng tổng hợp và container Nam Vân Phong của Tổng Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Ngoài ra, lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp có 5 biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của Tập đoàn Vsip và nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng) của Tổng Công ty Sonadezi.
Ba biên bản còn lại nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Nam Cam Ranh (vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam; nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Ninh Sơn (vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng) của Công ty CP Shinec và Công ty CP Chứng khoán SSI; dự án đầu tư Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (vốn đầu tư 1.807 tỷ đồng) của Công ty CP phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ.
Cuối cùng là biên bản ghi nhớ về lĩnh vực thủy sản nghiên cứu đầu tư phát triển, mở rộng dự án sản xuất, ươm nuôi con giống, nuôi trồng và thu mua cá tại vịnh Vân Phong trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong (vốn đầu tư 100 triệu USD) của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam.
Cải thiện môi trường đầu tư kịp thời
Tại hội nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa đã khai trương Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa tại địa chỉ website: https://ipa.khanhhoa.gov.vn. Đây là công cụ hữu hiệu nhằm giúp nhà đầu tư tìm hiểu về tiềm năng thế mạnh của địa phương, thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư, thông tin về quy hoạch, vị trí, tiềm năng của dự án, trình tự thủ tục thực hiện đối với từng loại dự án tại Khánh Hoà.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tỉnh Khánh Hòa cần lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, khai thác quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững và đảm bảo môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết vùng sao cho chặt chẽ và hiệu quả; huy động nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là nguồn lực hợp tác công tư; cải thiện môi trường đầu tư nhanh, kịp thời.
Thủ tướng đề nghị, thời gian tới Khánh Hòa cần phải nghiên cứu tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lấy nguồn lực bên trong, kết hợp nguồn lực bên ngoài; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ làm động lực, nền tảng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Chúng tôi quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để trở nên cạnh tranh hơn. Với tỷ lệ dân số có trình độ cao đẳng và đại học đứng thứ 12 cả nước, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lao động, nhằm tăng cường lợi thế so sánh. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên với mục tiêu hướng đến một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”.
Nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị cũng đã bày tỏ quyết tâm và mong muốn đầu tư vào tỉnh Khánh Hoà. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT - cho biết: Trong năm sau, tập đoàn này sẽ đưa vào vận hành tổ hợp giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm. Đồng thời sẽ tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của Khánh Hòa và có danh sách khách hàng quốc tế lựa chọn đến Nha Trang.
Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup - chia sẻ: “Khánh Hòa là mảnh đất khởi phát của tập đoàn chúng tôi. Từ dự án đầu tiên trên đảo Hòn Tre, đến nay Vingroup đã và đang triển khai 15 dự án tại tỉnh với quy mô đầu tư lên đến gần 41 ngàn tỷ đồng. Với hơn 20 năm đầu tư trực tiếp tại Khánh Hòa, chúng tôi cảm nhận rất rõ về môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và sự ủng hộ nhất quán từ các cấp chính quyền đến mọi tầng lớp nhân dân”.