Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

World Bank: Số năm học bình quân của Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khối ASEAN, GDP sẽ tăng 7,5% trong 2022

Tuy nhiên, về chất lượng, Việt Nam hiện có thứ hạng thứ 3 từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học, theo World Bank.

"Sau khi điều chỉnh về thời lượng học tập, số năm học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng thứ 2 sau Singapore trong số các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn chỉ số vốn con người của chúng ta là 0,69 so với mức tối đa bằng 1, thuộc dạng cao nhất trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp", bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam - cho biết.

Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do World Bank công bố, tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% trong năm nay.

World Bank: Số năm học bình quân của Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khối ASEAN, GDP sẽ tăng 7,5% trong 2022 - Ảnh 1.

Đồ họa: World Bank.

Báo cáo "Điểm lại: Giáo dục để Tăng trưởng" nhìn nhận: Triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi.

Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

"Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm", theo lời của bà Carolyn Turk.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn."

Báo cáo cho rằng đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Các cấp có thẩm quyền đã đạt được những thành tựu tuyệt vời về cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng. Điều này có thể chứng minh bằng số liệu: Sau khi điều chỉnh về thời lượng học tập, số năm học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng thứ hai sau Sing-ga-po trong số các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn chỉ số vốn con người của chúng ta là 0,69 so với mức tối đa bằng 1, thuộc dạng cao nhất trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

"Tuy nhiên, về giáo dục sau phổ thông, bao gồm giáo dục đại học và dạy nghề, thì số liệu chưa được như đáng có. Mặc dù hầu hết việc làm ở Việt Nam tiếp vẫn là những công việc thủ công đòi hỏi kỹ năng hoặc không đòi hỏi kỹ năng, nhưng các doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có các kỹ năng lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật".

"Vấn đề trên vừa là vấn đề về chất lượng - sự phù hợp về kỹ năng và khả năng sử dụng sinh viên tốt nghiệp hiện nay - vừa là vấn đề về số lượng - số lượng sinh viên tốt nghiệp", bà Carolyn nói.

Về chất lượng, Việt Nam hiện có thứ hạng thứ 3 từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Còn về số lượng, chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương vào năm 2019. Tỷ lệ nhập học gộp ở cấp học sau phổ thông của Việt Nam là 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, và thấp hơn mức bình quân là 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Ngay lúc này, Việt Nam có khoảng 2 triệu sinh viên được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục sau phổ thông. Để đạt tỷ lệ tuyển sinh của các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, chỉ tiêu tuyển sinh phải được nâng lên đến khoảng 3,8 triệu sinh viên, gần gấp đôi so với con số năm 2019.

Báo cáo đưa ra những khuyến nghị chi tiết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, trong đó có khuyến nghị về mở rộng áp dụng công nghệ số, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, và hài hòa hệ thống văn bản pháp quy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...