Tỷ phú Qatar đứng sau thương vụ mua lại Manchester United là ai?
Vị tỷ phú Qatar mua lại MU thực chất chỉ là người đại diện cho cả một nhóm lợi ích đằng sau nhằm tránh vi phạm quy định của UEFA.
Theo tờ The Sun, cả thế giới hầu như chưa nghe đến cái tên Sheikh Jassim cho đến khi ông này gửi lời đề nghị hỏi mua câu lạc bộ bóng đá MU nổi tiếng thế giới. Lời đề nghị của vị tỷ phú Qatar này được cho là khó lòng từ chối với gần 6 tỷ Bảng Anh cho 100% cổ phần và có thể còn gia tăng nếu cần.
Ông Sheikh Jassim cũng cho biết sẽ thanh toán các khoản nợ nần của MU hay bất cứ chi phí nào để đưa đội bóng này trở lại đỉnh cao danh vọng, bao gồm cả việc xây mới lại hoàn toàn sân nhà Old Tranfford cùng nhiều dự án đại tu khác.
Con nhà “nòi”
Sinh năm 1982, Sheikh Jassim bất ngờ trở thành Chủ tịch Ngân hàng Hồi giáo Qatar (QIB) khi mới ngoài 20 tuổi, tại thời điểm mới tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Vương quốc Anh tại Sandhurst. Ngoài chức danh trên, vị tỷ phú Qatar này còn là giám đốc của Credit Suisse Group, đồng thời nằm trong Hội đồng quản trị của nhiều công ty khác ở Qatar.
Bản thân ông Sheikh Jassim cũng được biết đến là một người hâm mộ trung thành của câu lạc bộ MU và số tiền đề nghị ở trên đến từ tổ chức phi lợi nhuận do vị tỷ phú Qatar này thành lập mang tên Nine Two Foundation-1992.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người thắc mắc nhất là QIB chỉ là một ngân hàng cỡ trung bình theo tiêu chuẩn toàn cầu, vậy thì số tiền khổng lồ mà Sheikh Jassim cần có để tham gia cuộc đua mua lại MU đến từ đầu khi nhiều đại gia, tổ chức cũng hứng thú với cuộc đấu giá này?
Tờ The Sun cho hay Sheikh Jassim có được tiềm lực như vậy, cùng như được bổ nhiệm vào hàng loạt vị trí quản lý ở tuổi đời trẻ như trên hoàn toàn là nhờ người cha Sheikh Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani (HBJ), cựu Thủ tướng Qatar, đồng thời là cựu Phó giám đốc Quỹ đầu tư công QIA trị giá 230 tỷ USD.
Tại thời đỉnh cao, cựu Tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani thậm chí đã từng đùa rằng nếu bản thân đang điều hành Qatar thì chính HBJ mới là người sở hữu đất nước này. Hồ sơ của Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy HBJ sở hữu 3,05% cổ phần trong Deutsche Bank cùng vô số những doanh nghiệp và quỹ đầu tư khác.
Dù dân chúng Anh chẳng biết gì nhiều về ông chủ mới Sheikh Jassim của MU nhưng cái tên HBJ lại khá nổi tiếng với biệt danh “Người đàn ông mua lại London”. Trong giai đoạn 200-2013, quỹ QIA dưới sự chỉ đạo của HBJ đã đầu tư vào hàng loạt tài sản có giá trị ở thủ đô nước Anh như khu phức hợp Canary Wharf, trung tâm mua sắm Harrods, Làng Olympic và tòa nhà Shard.
Năm 2015, HBJ từng khiến giới nhà giàu phải trầm trồ khi chi tới 179,4 triệu USD mua lại bức họa Les Femmes d'Alger (Version O) của Picasso trong buổi đấu giá.
Lùi ra sau màn
Sau khi Cựu tiểu vương Sheikh Hamad thoái vị vào năm 2013, bản thân HBJ cũng rời chính trường. Theo giới truyền thông, vì không muốn gây trở ngại cho sự chuyển giao quyền lực này mà cựu Thủ tướng Qatar đã cố gắng cắt giảm ảnh hưởng bản thân trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài việc từ bỏ vị trí ở QIA, tỷ phú HBJ cũng bán cổ phần gần 50% tại Qatar Airway cho chính phủ, đồng thời trao lại quyền điều hành ở hàng loạt công ty cho người con trai Sheikh Jassim, bao gồm QIB. Xin được nhắc là Sheikh Jassim chỉ là 1 trong số 15 người con của HBJ.
Số liệu của tờ The Sun cho thấy trong khi người con Sheikh Jassim có tổng tài sản khoảng 2 tỷ Bảng Anh thì người bố HBJ có không dưới 20 tỷ Bảng, tuy nhiên con số này có thể còn lớn hơn do chưa được thống kế hết cũng như có nhiều tài sản ngầm khác.
Việc Sheikh Jassim hầu như dùng tiền túi cá nhân để mua lại MU dù tạo ra nhiều nghi vấn nhưng lại phù hợp với chiến lược của Hoàng gia Qatar trong suốt nhiều năm qua, đó là tích cực dùng thể thao để quảng bá hình ảnh đất nước, gia tăng quyền lực mềm.
Quay lại câu chuyện MU, bản thân Sheikh Jassim cũng thuộc dòng dõi hoàng gia Al Thani của Qatar nhưng không phải dòng chính. Bởi vậy vị tỷ phú đời thứ 2 này trở thành đối tượng phù hợp đại diện hoàng tộc trong thương vụ mua lại MU nhằm tránh sự liên hệ với Cơ quan thể thao Qatar (QSA) đang sở hữu PSG, qua đó lách luật của UEFA khi cấm một chủ sở hữu được kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp nhiều hơn 1 đội bóng.
Gia đình hoàng tộc Qatar hiện có khoảng 3.000 thành viên và các dòng chi thứ cũng tích cực thực hiện những nhiệm vụ được giao nhằm thăng tiến trong thang quyền lực, bởi chỉ một nhóm nhỏ trong gia đình này được cho là thân cận với Tiểu vương.
*Nguồn: Tổng hợp