Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi nghiệp mở quán trà sữa: 2 năm đầu tiền đếm không xuể, năm thứ 3 mất hơn 500 triệu đồng, phải đóng quán về làm nhân viên văn phòng

Những bài học quan trọng được rút ra sau khoảng hơn 3 năm mở cửa hàng trà sữa.

*Câu chuyện của một người đàn ông 36 tuổi, từng mở cửa hàng trà sữa ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sau 2 năm làm ăn khấm khá, lỗ hơn 500 triệu đồng chỉ trong vài tháng

Tôi bắt đầu kinh doanh phụ vào năm 2017 và mở một cửa hàng trà sữa ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ba năm sau, trong đợt dịch nửa đầu năm 2020, tôi đã đóng cửa hàng. Trong năm đầu tiên mở, cửa hàng đã hoàn vốn trong nửa năm và doanh thu rất tốt trong 2 năm tiếp theo. Tuy nhiên, tôi lỗ khoảng 150.000 Nhân dân tệ (khoảng 510 triệu đồng) trong vài tháng đầu tiên trước khi đóng cửa hàng. 

Vị trí của cửa hàng này khá thuận lợi, rất đông đúc và có nhiều bạn trẻ. Tôi có thương hiệu riêng của mình, được gọi là "Ins Space Hidden Tea", định vị thương hiệu ở mức trung bình đến cao cấp. Giá cốc trà sữa cao nhất của cửa hàng là 36 nhân dân tệ (khoảng 122 nghìn đồng). Hơn nữa, tôi luôn hướng đến đồ uống có lợi cho sức khoẻ, được gọi là "đồ uống có enzyme", rất phổ biến với những người làm văn phòng. 

Sau khi cửa hàng khai trương, tôi đã đầu tư hơn 100.000 Nhân dân tệ (340 triệu đồng), tiền thuê và trang trí hàng năm lên tới gần 100.000 Nhân dân tệ. Cửa hàng tuyển 4 nhân viên chính thức, lương 4.000 Nhân dân tệ/người/tháng (13,5 triệu đồng). 

Không tính đến các đơn hàng đặt đi, cửa hàng bán được khoảng 150 đơn hàng những ngày trong tuần, và con số này gấp đôi vào cuối tuần. Sau 1 tháng khai trương, doanh thu của cửa hàng rất tích cực, và tôi đã hoàn vốn trong nửa năm. Sau này, tôi muốn mở rộng và mở thêm một vài cửa hàng nữa, nhưng vì thương hiệu chưa thật sự vững mạnh nên khó có thể thâm nhập vào những khu buôn bán trung tâm. Cùng với ảnh hưởng từ Covid, khó để phát triển thêm, công việc kinh doanh của tôi phải gác lại. 

Khởi nghiệp mở quán trà sữa: 2 năm đầu tiền đếm không xuể, năm thứ 3 mất hơn 500 triệu đồng, phải đóng quán về làm nhân viên văn phòng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Những khó khăn trong câu chuyện tiếp cận khách hàng và mở rộng cửa hàng

Thực tế có rất nhiều cạm bẫy khi bước vào khu kinh doanh (hay còn gọi là khu buôn bán trung tâm là nơi tập trung bán chuyên về một loại hình chẳng hạn như ẩm thực hay trang phục). Trong một khu kinh doanh rất nổi tiếng như khu ẩm thực, các cửa hàng sẽ có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu muốn có cửa hàng ở nơi đây, bạn sẽ phải chi rất nhiều tiền.

Người quản lý sẽ ước tính thương hiệu của bạn có thể bán bao nhiêu cốc và số tiền bạn có thể kiếm được hàng tháng, sau đó phí tham gia sẽ được tính phần trăm theo con số này. Và hợp đồng chỉ được ký trong 1 năm. Nếu bạn muốn gia hạn, bạn phải thương lượng thêm 1 khoản phí. Nếu bạn không chấp nhận nó, việc cố gắng tạo dựng thương hiệu cũng như có được một lượng khách hàng quen thuộc coi như là vô dụng. Một số khu kinh doanh vắng vẻ rất dễ để có thể thuê mặt bằng, nhưng khi bạn mở cửa hàng, bạn sẽ thấy rằng không có người qua lại và không thể kiếm được tiền.

Có 1 sai lầm khác khi bắt đầu mở cửa hàng của riêng mình đó là không tìm hiểu kỹ nhượng quyền kinh doanh. Lúc đầu, chúng tôi cân nhắc định sẽ mua 1 cửa hàng nhượng quyền nhưng sau khi tìm hiểu thì thấy rằng đó không phải là thương hiệu đáng tin cậy. 

Khởi nghiệp mở quán trà sữa: 2 năm đầu tiền đếm không xuể, năm thứ 3 mất hơn 500 triệu đồng, phải đóng quán về làm nhân viên văn phòng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Các thương hiệu thường sẽ đánh lừa bạn và nói rằng tỷ suất lợi nhuận có thể đạt tới 80%, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Trước hết, bạn phải trả phí nhượng quyền, đây là một số tiền rất lớn. Thứ hai, tất cả các nguyên liệu phải được mua từ các nhà cung cấp có thương hiệu, nhưng giá mua đắt hơn nhiều so với việc bạn tự tìm nguồn nguyên liệu riêng và chênh lệch giá có thể gấp hai đến ba lần. 

Và trước khi bạn mở một cửa hàng, chủ sở hữu thương hiệu sẽ không cho bạn biết rằng có một khoản phí để được tham gia vào khu vực kinh doanh. Khi bạn ký hợp đồng nhượng quyền và đến địa điểm, bạn sẽ thấy rằng các chi phí tiếp theo vượt xa sức tưởng tượng của bản thân. 

Vì vậy, sau đó chúng tôi quyết định tạo ra thương hiệu của riêng mình. Khi mới mở cửa hàng, tôi vẫn đang làm việc duy trì công việc của mình dù chỉ là part-time. Sau khi quán trà sữa đóng cửa, tôi lại đi làm văn phòng trở lại. Tôi không thể tham gia vào khu vực kinh doanh vì nó quá đắt đỏ. Đồng thời rất khó để có thể duy trì thương hiệu qua thời gian Covid. Bên cạnh đó, như tôi đã nói ở trên, việc tham gia thị trường nhượng quyền thương hiệu cũng vô cùng khó khăn và nhiều cạm bẫy. 

Tôi không khuyên các bạn trẻ bây giờ mở quán trà sữa. Nó tương đối dễ thực hiện trong vài năm trước, tuy nhiên, giờ đây cửa hàng trà sữa ở khắp mọi nơi và sự cạnh tranh quá khốc liệt. Ngưỡng chi phí để tham gia nhượng quyền thương hiệu uy tín là quá cao. Nếu tự làm thì không có thương hiệu và không có lượng khách hàng tiềm năng nên rất khó làm. Trừ khi tiềm lực tài chính của bạn đặc biệt mạnh, bạn mới dám chi tiền để tạo ra tập khách hàng thân thiết cho riêng mình. 

Theo iNews, Insider


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...