Hoa hậu Ngọc Hân chưa 'long đong' duyên chứng khoán, không như một nàng hậu 'đánh đâu trúng đó'
Sau chuỗi ngày tăng trần và liên tục lập đỉnh giá mới, nhóm cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái” DNP có liên quan đến “hoa hậu chứng khoán” Ngọc Hân lao dốc mạnh trong hơn một tuần qua.
Loạt cổ phiếu của hoa hậu giảm sàn
Nhóm các cổ phiếu vẫn được nhắc đến gồm DNP của Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng, VC9 của Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (Vinaconex 9), HUT của Công ty cổ phần Tasco, NVT của Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay, và JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật.
Sau chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu DNP của Nhựa Đồng Nai, nơi bà Đặng Thị Ngọc Hân (hoa hậu Ngọc Hân) làm Giám đốc đối ngoại đã trải qua 8 phiên giao dịch với 5 phiên giảm sâu và 01 phiên đứng giá, chỉ hai phiên tăng giá nhẹ.
Với chuỗi phiên giao dịch kể trên, thị giá của DNP “bốc hơi” 20%, đóng cửa phiên cuối tuần qua còn 27.700 đồng/cp.
Trong khi đó, cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay, nơi hoa hậu Ngọc Hân mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc cũng đã đứt mạch “toàn thắng” sau chuỗi 12 phiên tăng trần gần như liên tục.
Hoa Hậu Việt Nam năm 2010 được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Ninh Van Bay đúng thời điểm cổ phiếu công ty này đang trong giai đoạn “hot” nhất thị trường. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy nửa tháng, NVT đã quay đầu giảm sàn trong hai phiên gần nhất.
Hoa hậu chứng khoán Đặng Thị Ngọc Hân. |
Liên tiếp trong hai phiên gần đây NVT giảm tới 13%, đóng cửa phiên 01/04 còn 28.050 đồng. Có lẽ đây cũng là thời điểm nhà đầu tư nhận ra rằng NVT vẫn đang thuộc diện cổ phiếu bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là số âm.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của công ty mẹ NVT ghi nhận lỗ 28,4 tỷ đồng, giảm 51 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của công ty, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 nên nguồn doanh thu của công ty mẹ đến từ cổ tức của công ty con là CTCP Du lịch Hồng Hải giảm so với năm 2020. Trong năm 2021, NVT ghi nhận chi phí tài chính 17,7 tỷ đồng do công ty phải ghi nhận khoản lãi phải trả từ việc phát hành 240 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong năm.
Đáng chú ý, chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc NVT, ngày 17/03 hoa hậu Ngọc Hân xuất hiện trên sóng truyền hình VTV1 và chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. Cô tiết lộ trên chương trình rằng bản thân cô cũng đang đầu tư vào các cổ phiếu thuộc nhóm DNP, đặc biệt là HUT của Công ty cổ phần Tasco.
Kể từ sau phiên lập đỉnh về giá 21/03, HUT đã trải qua 6/9 phiên giảm giá, trong đó có tới 4 phiên giảm sàn. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, HUT đã giảm 30,2% để về mức giá 35.800 đồng/cp.
Trước đó, chuỗi tăng giá kéo dài từ giữa tháng 1/2022 đến ngày 21/03 vừa qua đã giúp thị giá của HUT tăng thêm hơn 170%, đạt mức giá kỷ lục của cổ phiếu này là 51.300 đồng/cp.
Ngoài 3 mã cổ phiếu nói trên, VC9 của Vinaconex 9 cũng được cho là liên quan đến hoa hậu Ngọc Hân và thuộc diện thâu tóm của các cổ đông DNP. Chỉ có điều, dù vẫn đang bị Sở GDCK Hà Nội đưa vào diện kiểm soát từ 30/03/2021 do lợi nhuận sau thuế 2 năm liên tiếp là số âm, nhưng VC9 vẫn trải qua quá trình “nhảy múa” về giá với chuỗi 9 phiên tăng trần trong số 10 phiên giao dịch kéo dài từ 14-25/03.
Kịch bản tương tự như các mã cùng “họ” DNP, sau đó là chuỗi những phiên giảm giá. Cụ thể, VC9 giảm giá trong 3 phiên giao dịch gần nhất, trong đó có hai phiên giảm sàn. Chỉ trong 3 phiên này, VC9 đã mất đi 18,72% thị giá, còn lại 21.700 đồng/cp.
Cổ phiếu còn lại trong nhóm này là JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật. Dù vẫn đang bị Sở GDCK TP.HCM đưa vào diện kiểm soát từ tháng 7/2021 do lợi nhuận sau thuế hai năm liên tiếp âm, nhưng bằng các nào đó giá cổ phiếu JVC lại hồi sinh kể từ tháng 2/2022 và đạt đỉnh 13.450 đồng/cp trong phiên 29/03 vừa qua, tăng 72% kể từ đầu tháng 2.
Tuy nhiên, cũng giống như những cổ phiếu mang “họ” DNP, JVC đã trải qua 2 phiên giảm giá liên tiếp, trong đó có phiên giảm sàn trước khi hồi phục nhẹ phiên cuối tuần qua. Đóng cửa phiên cuối tuần, JVC còn 12.250 đồng/cp.
Đại gia nào đứng sau những thương vụ thâu tóm nghìn tỷ?
JVC, NVT là những mảnh ghép trong ma trận sở hữu chéo thuộc “liên minh” DNP-HUT. Thông qua cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ, hệ sinh thái này đã nắm trong tay hệ thống phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, nhiều dự án bất động sản lớn cùng nhiều công ty trong lĩnh vực nước sạch, vật liệu xây dựng...
Nhóm cổ phiếu trên chính là nhóm cổ phiếu liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt của CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), trong đó có ông Vũ Đình Độ, chủ tịch DNP. Bên cạnh DNP còn các cổ phiếu khác là Tasco (HUT), CTCP Du lịch bất động sản Ninh Vân Bay (NVT), CTCP Xây dựng số 9 (VC9), CTCP Dịch Vụ Tổng Hợp Sài Gòn – Savico (SVC) và CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC).
Ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch DNP. |
Được biết, tân Chủ tịch HĐQT Tasco Hồ Việt Hà là phó chủ tịch DNP Water, ngoài ra còn là chủ tịch của Ninh Vân Bay (NVT). Một lãnh đạo của nhiều công ty trong mảng nước của DNP là ông Nguyễn Danh Hiếu cũng tham gia vào HĐQT của Tasco.
Tasco mới đây cũng công bố thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại SVC Holdings – công ty sở hữu 54,1% cổ phần của Savico, 100% cổ phần của CTCP Savico Hà Nội, 80% cổ phần CTCP Ô tô Bắc Âu (Volvo Việt Nam).
Như vậy có thể thấy khi hợp nhất SVC Holdings, Tasco sẽ là một tập đoàn đa ngành trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản – du lịch, kinh doanh ô tô…
Đối với DNP, công ty đã thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm hàng chục công ty cấp thoát nước lớn nhỏ trên cả nước, cũng như thực hiện thâu tóm CMC Tile (CVT) – một đơn vị lớn trong lĩnh vực gạch ốp lát.
Được biết, vợ của ông Vũ Đình Độ (Chủ tịch DNP) cũng chính là Chủ tịch của hai công ty JVC và VC9. Bên cạnh mối quan hệ chằng chịt kể trên, còn có một người đáng chú ý khác là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE Nguyễn Hoàng Giang, người hiện giữ vị trí thành viên HĐQT của Ninh Vân Bay và Savico.
Một động thái đáng chú ý khác là trước khi những thương vụ thâu tóm này diễn ra, ông Phạm Quang Dũng bất ngờ rút lui khỏi ghế Chủ tịch HĐQT cũng như thành viên HĐQT của Tasco. Dù vậy, ông Dũng vẫn là cổ đông lớn nhất tại Tasco, đồng thời được giới thiệu là Chủ tịch hội đồng sáng lập của doanh nghiệp này