Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện nghề giáo: Chúng tôi khó yên bình trong cái nghèo

Thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nhiều giáo viên buộc lòng lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Tất cả là vì yêu nghề giáo, yêu học trò và khao khát cống hiến cho xã hội.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây

Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu áp lực công việc lớn, đổi mới kế hoạch giảng dạy liên tục.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Công Hoàng - giáo viên Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội) cho biết, mặc dù phải chật vật mưu sinh nhưng thầy hiểu rõ niềm đam mê lớn nhất của mình là dạy học, mang cái chữ đến học trò thân yêu.

Vị giáo viên này cho biết đã từng chứng kiến đồng nghiệp làm thêm nhiều nghề mưu sinh như bán hàng online, kinh doanh ngoài để kiếm thu nhập… Bản thân thầy cũng có gia đình, phải lo cơm áo gạo tiền, lo xây nhà xây cửa, chăm sóc con cái ăn uống, học hành… trong khi đồng lương thì “hẻo”, áp lực chồng chất.

Thầy Công Hoàng - giáo viên Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thầy Công Hoàng - giáo viên Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội). Ảnh: NVCC

"Giáo viên chúng tôi có muôn vàn áp lực, nào là kết quả học tập của học sinh, thành tích cá nhân, nhà trường, áp lực từ phụ huynh, lại thêm hàng tá sổ sách, giấy tờ và những cuộc thi khác… Trong khi đó, lương và chế độ đãi ngộ của nghề lại chưa thực sự tương xứng với công sức chúng tôi bỏ ra.

Nhiều người hỏi tại sao không bỏ nghề để tìm việc khác nhàn và có thu nhập tốt hơn? Tôi chỉ cười “nghề chọn người nhưng tôi cũng chọn nghề”. Bởi vì yêu nghề nên tôi tin vào tương lai tươi sáng của ngành Giáo dục. Vì tin nên tôi rất hy vọng nghề giáo có chế độ ưu tiên trước nhất, chúng tôi sẽ sống được với lương của mình" - thầy Hoàng bộc bạch.

Lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải

Công tác trong ngành Giáo dục 16 năm, cô Kim Oanh - giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) hiện chỉ nhận mức lương hơn 8 triệu đồng. Kinh tế eo hẹp, lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, ngoài giờ dạy, cô Oanh phải nhận may và lắp rèm cửa. Chỉ cần có đơn đặt hàng, dù mưa nắng, dù xa hay gần thì cô vẫn cố gắng đi lắp cho khách.

Thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nhiều giáo viên phải tìm đủ việc để kiếm kế sinh nhai. Ảnh: LĐO

Thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nhiều giáo viên phải tìm đủ việc để kiếm kế sinh nhai. Ảnh: LĐO

Quay cuồng trong nhịp sống tất bật, cô Oanh đã quen với việc lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Chỉ khi nhìn lại con đường mình đang bước, cô bất chợt chạnh lòng: "Thật sự vất vả quá, nhưng bỏ nghề thì không nỡ, vì tôi vẫn còn yêu nghề, yêu học trò".

Cô nói: "Chúng tôi khó yên bình trong cái nghèo, không thể chú tâm giảng dạy và sáng tạo trong cái đói. Vì vậy, phải tìm cách đảm bảo cuộc sống cho gia đình rồi mới có tâm có sức dạy học.

Nhưng tôi tin vào tươi lai tươi sáng của ngành Giáo dục, tin rằng công sức của chúng tôi sẽ được đền đáp một cách xứng đáng. Tôi mong vào một ngày không xa, chúng tôi sẽ sống được bằng đồng lương của chính mình, sẽ sử dụng lương của nghề tay phải nuôi con cái ăn học và đảm bảo cuộc sống đủ đầy" - cô Oanh hy vọng.

Nhân tháng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, hãy cùng Báo Lao Động theo dõi những câu chuyện nghề xúc động, những trải lòng chân thành của các thầy cô giáo. Bạn đọc có tâm tư, chia sẻ về nghề giáo xin gửi về hòm thư toasoan@laodong.com.vn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...