Chung tay cùng trò nội trú xây dựng bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số
Không để văn hóa chỉ là ký ức, học sinh nhiều trường đang góp phần làm sống dậy bản sắc dân tộc bằng chính niềm tự hào của tuổi trẻ.
![]() |
Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn mặc trang phục dân tộc của mình. |
Người trẻ kể lại văn hóa
Trong thời đại số, văn hóa dần trở nên mờ nhạt khi giới trẻ bị cuốn vào nhịp sống hiện đại. Những điệu Then, tiếng đàn Tính hay chiếc áo chàm truyền thống vì thế tưởng chừng đã lùi vào ký ức thế nhưng tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), các em học sinh lại đang tìm cách đưa văn hóa dân tộc bước ra khỏi khuôn khổ giấy bút.
Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc đã trở thành một không gian sinh hoạt sôi nổi, nơi học sinh được giao lưu, học hỏi và tự hào thể hiện bản sắc dân tộc của mình. Thông qua các hoạt động như nói tiếng dân tộc, trình diễn trang phục truyền thống, tổ chức ngày hội văn hóa hay học hát Then – đàn Tính, các em được tiếp cận gần hơn với những giá trị văn hóa của cộng đồng.
Em Tôn Thị Kiều Trang, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Em cảm thấy việc sử dụng tiếng dân tộc và lan tỏa những nét đẹp văn hóa không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào. Đối với em, đây chính là cách để khẳng định cội nguồn dân tộc giữa dòng chảy hiện đại”.
Là người con dân tộc Nùng, Kiều Trang lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, nơi trang phục đặc trưng và tiếng mẹ đẻ luôn hiện diện trong đời sống thường ngày. Chính vì thế, ngay khi biết đến Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc của trường, em đã bày tỏ sự hào hứng và mong muốn gia nhập.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn biểu diễn hát then, đàn tính.
“Điều thôi thúc em tham gia CLB chính là tình yêu dành cho bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em mong muốn được hiểu sâu hơn, học thêm nhiều điều để góp phần gìn giữ những giá trị mà ông bà, cha mẹ đã truyền lại”, nữ sinh chia sẻ.
Những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc đã trở thành chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Em Hoàng Anh Thư, học sinh lớp 12A6 cho biết, em đã học hát Then từ năm lớp 7 và đặc biệt yêu thích loại hình nghệ thuật này.
“Mỗi lần học một bài hát Then mới, em lại biết thêm nhiều từ vựng và những câu chuyện dân gian gắn liền với đời sống dân tộc mình. Khoảnh khắc chạm tay vào cây đàn Tính, em có cảm giác như đang được kết nối sâu hơn với cội nguồn, được lắng nghe âm thanh của quá khứ vọng về”, nữ sinh chia sẻ.
Với Thư, lan tỏa âm nhạc dân tộc không nhất thiết phải có sân khấu lớn. Chỉ cần vài người bạn cùng yêu thích, cùng ngân nga trong giờ giải lao cũng đủ để văn hóa thấm vào môi trường học đường.
Từ sự đồng cảm và gắn bó ấy, nhiều học sinh đã bắt đầu nghĩ xa hơn. Các em không chỉ muốn giữ gìn văn hóa như một phần di sản, mà còn khơi dậy và kể lại giá trị truyền thống theo cách của người trẻ hôm nay.
Những ý tưởng dựng vlog kể chuyện bản làng, vẽ truyện tranh dân gian hay thiết kế sản phẩm mang họa tiết truyền thống,... đang được ấp ủ và từng bước hiện thực hóa.
“Chúng em mong muốn văn hóa dân tộc không chỉ tồn tại trong sách vở hay xuất hiện trong những dịp lễ trang trọng. Mà hơn hết, văn hóa cần hiện diện trong đời sống thường ngày để ta có thể nghe thấy, chạm vào và cảm nhận”, Kiều Trang bày tỏ.
Ngoài ra, em còn mơ về một kênh TikTok mang tên “Chuyện bản em”. Đây sẽ là nơi các bạn trẻ cùng nhau kể chuyện cổ tích bằng tiếng dân tộc, biểu diễn dân ca, dạy từ vựng đơn giản. Qua đó, văn hóa dân tộc có thể bước ra khỏi khuôn khổ đời sống thường nhật và lan tỏa từ cộng đồng nhỏ ra thế giới lớn.
Đưa bản sắc vào nhịp sống học đường
Là ngôi trường quy tụ học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn không chỉ là nơi truyền thụ tri thức, mà còn là nơi gìn giữ ký ức văn hóa. Mỗi học sinh đến trường mang theo một tiếng nói, một phong tục những nếp sống riêng tạo nên một không gian học đường giàu bản sắc.
Trong môi trường đa dạng văn hóa ấy, ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc đang dần được hun đúc trong mỗi học sinh. Từ đó, Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc ra đời như một mái nhà chung để các em kết nối, học hỏi và tự hào lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc, chia sẻ: “Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn là nơi quy tụ học sinh của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Sán Chay,... Vì vậy, những hoạt động của CLB giúp các em vừa thêm yêu văn hóa dân tộc mình, vừa hiểu và tôn trọng sự đa dạng văn hóa của bạn bè”.
Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc luôn duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tuần một buổi, với nội dung đa dạng như: học hát Then, đàn Tính, nhảy sạp, tìm hiểu và chia sẻ về trang phục, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, CLB còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường và địa phương. Nhiều chương trình thường niên do trường và Đoàn Thanh niên tổ chức đều ghi nhận sự góp mặt tích cực và sáng tạo của thầy trò trong câu lạc bộ.
“Tham gia Câu lạc bộ Văn hóa các dân tộc giúp học sinh hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và nâng cao sự tự tin. Qua đó, các em dần hình thành trách nhiệm, bản lĩnh và tinh thần gắn kết trong môi trường học đường”, cô Tuyết nhấn mạnh.
Trong những năm qua, CLB không chỉ tạo dấu ấn trong môi trường học đường mà còn khẳng định tiềm năng tại nhiều sân chơi văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh. Nhờ sự quan tâm của Ban giám hiệu và nỗ lực luyện tập chăm chỉ đã giúp cô trò CLB gặt hái nhiều thành tích ấn tượng.
Đặc biệt, trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc do thành phố tổ chức, nhà trường đã giành giải A năm 2024. Bên cạnh đó, ở chương trình “Tết sum vầy – Xuân hạnh phúc” do Công đoàn Giáo dục tổ chức đầu năm 2025, phần trình diễn trang phục áo dài dân tộc của nhà trường đã xuất sắc giành giải Nhì. Những kết quả này cho thấy sự nghiêm túc trong luyện tập và khả năng sáng tạo của học sinh khi tiếp cận và trình diễn các giá trị văn hóa truyền thống.
Không dừng lại ở thành tích, điều đáng nói hơn chính là định hướng giáo dục bền vững mà nhà trường đang theo đuổi. Đó là việc đưa văn hóa thấm vào trường học, để học sinh không chỉ giỏi kiến thức mà còn giàu bản sắc.
“Chúng tôi mong muốn các em hiểu, trân trọng và tự hào về chính dân tộc mình. Khi học sinh hát Then bằng tiếng mẹ đẻ hay tự hào giới thiệu trang phục dân tộc, tôi tin rằng giáo dục đã chạm được đến chiều sâu của văn hóa”, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết bày tỏ.