Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chìm nổi thân phận áo dài

Được yêu thích và được coi là thiết kế đậm chất văn hóa truyền thống, thế nhưng áo dài không được công nhận là thương hiệu văn hóa, không được công nhận là di sản, không được công nhận là lễ phục hay quốc phục.

Chìm nổi thân phận áo dài

Không có danh phận

Áo dài cho cả nam, nữ từng được đề xuất là quốc phục, tuy nhiên đến nay, mọi đề án đều bỏ ngỏ. Trong cuộc trao đổi với Lao Động, cả họa sĩ Nguyễn Đức Bình và nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh đều cho rằng, quốc phục phải được công nhận dựa trên pháp lý.

Là trang phục mang đậm truyền thống văn hóa, nhưng cho đến nay, áo dài vẫn chưa có được danh phận xứng đáng. Ảnh: NĐB

Là trang phục mang đậm truyền thống văn hóa, nhưng cho đến nay, áo dài vẫn chưa có được danh phận xứng đáng. Ảnh: NĐB

Theo đó, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, khi đã đề xuất áo dài là quốc phục, sẽ phải có văn bản rõ ràng. “Quốc phục phải là một biểu tượng văn hóa, cần có hành lang pháp lý quy định tiêu chí chọn lựa, quy chuẩn cũng như quy định sử dụng và cả quy định cấp nào được phê duyệt công nhận”.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cũng nói: “Quốc phục phải là một hình tượng có cơ sở khoa học và pháp lý”.

Thế nhưng, dù được yêu mến, được công nhận là tà áo truyền thống, áo dài vẫn chưa có được bất kỳ danh phận nào.

Áo dài chưa được đề xuất là di sản, chưa được công nhận là quốc phục. Gần nhất, trong kế hoạch mang tính chiến lược về “Phát triển thương hiệu quốc gia bằng văn hóa” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có nhắc đến rất nhiều “mũi nhọn” như phim ảnh, ẩm thực, du lịch... nhưng không nhắc đến áo dài.

May, mặc áo dài vô tội vạ?

Câu chuyện về đại sứ mặc áo dài trong ngày trình quốc thư, theo nhìn nhận của các nhà nghiên cứu văn hóa, đó là điều rất đáng trân trọng, tuy nhiên, chiếc áo dài của ngài đại sứ lại được may không đúng quy chuẩn. Chính bởi chiếc áo dài không may đúng thiết kế chuẩn, lại không được thực hiện đúng với nghi lễ khi mặc áo dài, nên mới gây tranh cãi.

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với hiện trang may, mặc áo dài tràn lan, vô tội vạ, mỗi người một kiểu.

Áo dài đang được may, mặc một cách vô tội vạ. Ảnh: TL

Áo dài đang được may, mặc một cách vô tội vạ. Ảnh: TL

Ai cũng có thể tham gia thiết kế áo dài. Ai cũng có thể “sáng tạo” với áo dài. Việc thiết kế tràn lan, không đúng chuẩn mực đã dẫn đến những thảm họa áo dài.

Ngay với áo dài nữ - vốn được số đông yêu thích, trân trọng, nhưng số phận vẫn chìm nổi khi vào tay các nhà thiết kế. Nhiều mẫu áo dài xuyên thấu mỏng tang, mẫu áo dài khác vạt ngắn vạt dài, lại có mẫu áo dài thiết kế để khoe hình thể... Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, khi được hỏi ý kiến chuyên môn về những mẫu áo dài cách tân quá đà, anh từ chối bình luận vì “đó không phải là áo dài. Tại sao tôi phải nói về áo dài trong khi đó không phải là áo dài?”.

Việc mặc áo dài cũng diễn ra tình trạng... tùy thích. Ai thích thế nào, mặc vậy. Ai muốn khoe hình thể sẽ chọn mẫu áo cắt xẻ táo bạo, hoặc xuyên thấu, bó sát... Ai thích phối áo dài với quần, hay với váy đụp, cũng tùy thích.

Nhiều mẫu áo dài đã bị chỉ trích phản cảm, thảm họa, khi bị biến tấu quá đà. Tình trạng mặc và may áo dài vô tội vạ - cũng là hành vi xâm phạm văn hóa – theo đánh giá của nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh.

“Không chỉ dành cho nam giới mà ngay cả chiếc áo dài dành cho phụ nữ cũng đang có nhiều hiểm họa. Rất nhiều giải pháp, biện pháp để đi đến kết luận này vì đây chính là vấn đề xác định hình tượng bản sắc và phải xem đây là một công trình văn hóa của thế kỷ” – NTK Minh Hạnh nói.

Ứng xử với áo dài và ứng xử với văn hóa dân tộc, cần sự trân trọng và chung tay giữ gìn bản sắc của cả cộng đồng. Ảnh: TL

Ứng xử với áo dài và ứng xử với văn hóa dân tộc, cần sự trân trọng và chung tay giữ gìn bản sắc của cả cộng đồng. Ảnh: TL

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, việc may và mặc áo dài cũng cần phải được quy chuẩn, phải may theo những chuẩn mực ra sao, phải mặc áo dài như thế nào cho đẹp. Muốn mặc đẹp áo dài phải mặc cho đúng.

Nếu coi áo dài là biểu tượng về văn hóa truyền thống, việc quan trọng nhất chúng ta cần ứng xử với áo dài chính là giữ gìn vẻ đẹp văn hóa ấy.


Nguồn:https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/chim-noi-than-phan-ao-dai-1082401.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...